ĐÁNH GIÁ LENOVO THINKPAD L390: CHIẾC "IPHONE ĐỜI S" CỦA THINKPAD L380

 ThinkPad L390 vẫn giữ được hầu hết những nét riêng làm nên thương hiệu ThinkPad, nhưng để có mức giá dễ tiếp cận đối với người dùng, Lenovo hiển nhiên phải đưa ra những sự đánh đổi. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là, bạn sẵn sàng đánh đổi những gì?

Trong phân khúc phổ thông, Lenovo hiện có hai dòng laptop dành cho người dùng, đó là dòng ThinkPad E và ThinkPad L. Trong khi dòng E được thiết kế cho các công ty vừa và nhỏ, dòng L dành cho những đối tượng rộng lớn hơn như trường học và doanh nghiệp, tập đoàn. Thông thường, dòng ThinkPad L luôn chia ra hai model với màn hình 14 inch hoặc 15.6 inch, nhưng kể từ năm ngoái Lenovo đã bổ sung thêm tùy chọn 13.3 inch cho dòng laptop này. Năm ngoái, chiếc ThinkPad L380 đã thế chỗ dòng ThinkPad 13, và năm nay ThinkPad L390 đóng vai trò là một phiên bản nâng cấp nhẹ về cấu hình, khi đây là một trong những chiếc ThinkPad đầu tiên được trang bị dòng chip xử lý Whiskey Lake của Intel.

Phiên bản đánh giá của VnReview dùng chip xử lý i5-8265U với 4GB RAM, 256GB SSD M.2 SATA hiện có giá khoảng 19,8 triệu đồng. Nếu lên cấu hình i7-8565U với 8GB RAM, con số sẽ tăng lên gần 24 triệu đồng. ThinkPad L390 còn có phiên bản với màn hình cảm ứng (thêm hậu tố Yoga) nhưng có vẻ như không được phân phối chính hãng tại Việt Nam.

Thiết kế đã quá quen thuộc, hào phóng cổng "ăn chơi"


ThinkPad L390 về cơ bản vẫn giữ nguyên thiết kế của đàn anh L380 mà VnReview từng đánh giá, nên người viết sẽ không đi quá sâu vào phần này. Chúng ta vẫn có một chiếc laptop với ngoại hình vuông vức đầy cứng cáp và có phần nam tính. Phiên bản đánh giá của VnReview có màu đen nhám phủ nhung dạng soft touch truyền thống, bám vân tay nhiều và không dễ để lau chùi sạch sẽ hoàn toàn. Ngoài ra, máy còn có tùy chọn màu xám bạc cho những ai thích sự mới lạ.

ThinkPad L390 có trọng lượng 1,46kg và độ dày 18,8mm, giống hệt với L380. Tuy những con số này tuy hơi cao hơn mặt bằng chung của các dòng laptop mỏng nhẹ có kích thước màn hình tương đương nhưng sản phẩm của Lenovo vẫn đảm bảo được tính di động, cầm nắm bằng một tay thoải mái và đủ gọn gàng để mang theo công tác xa mà không gây cồng kềnh, vướng víu. Các cạnh viền được vát tinh tế cũng giúp máy trông thon gọn và thanh thoát hơn.

Số lượng cổng kết nối trên ThinkPad L390 vẫn rất phong phú, với hai cổng USB 3.1 Gen 1 Type A (một cổng dạng Always On hỗ trợ sạc các thiết bị ngoại vi ngay cả khi tắt máy), 1 cổng HDMI 1.4, jack tai nghe 3.5mm. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả vẫn là hai cổng USB 3.1 Gen 1 Type-C, chúng kiêm luôn nhiệm vụ cắm sạc (bạn cắm sạc cổng nào cũng được) và cả hai đều hỗ trợ xuất hình ảnh, âm thanh chuẩn DisplayPort, truyền dữ liệu và năng lượng theo chuẩn Power Delivery.

"Hào phóng" là vậy, nhưng người viết nghĩ rằng Lenovo hoàn toàn có thể (và nên) tăng số lượng cổng kết nối trên ThinkPad L390 hơn nữa. Chẳng hạn, máy vẫn dùng cổng mạng dây chuẩn Mini RJ-45 vốn không mấy phổ biến tại Việt Nam, cũng không có adapter chuyển đi kèm mà người dùng phải mua ngoài với giá khoảng gần 300 nghìn đồng. Bên cạnh đó, đầu đọc thẻ nhớ trên L390 chỉ hỗ trợ thẻ microSD phổ biến trên smartphone chỉ cần kết nối USB là có thể trích xuất ảnh, không hỗ trợ thẻ SD dùng trong máy ảnh. Tuy vậy, L390 đã có sự nâng cấp so với đàn anh L380 khi trang bị cảm biến vân tay một chạm mở khóa qua Windows Hello giúp tăng khả năng bảo mật dữ liệu.

L390 thừa hưởng vị trí nút nguồn cạnh phải, "khe cắm" bút cảm ứng (như đã đề cập, ThinkPad L390 có một phiên bản Yoga với màn hình cảm ứng xoay lật kèm bút Wacom) dù không hề có bút cũng chẳng có màn hình cảm ứng, từ đàn anh L380. Có thể Lenovo làm như vậy để tiện cho việc sản xuất và phần nào tiết kiệm chi phí nữa.

Bản lề của ThinkPad L390 tuy không "xịn xò" như chiếc ThinkBook 13s cao cấp hơn nhưng vẫn cho cảm giác chắc chắn và bền bỉ. Bạn vẫn có thể ngửa màn hình theo góc 180 độ để điều chỉnh góc nhìn hoặc trình bày nội dung hiển thị với người đối diện, nhưng nắp máy và thân máy sẽ không nằm bằng phẳng nhau.

Do sử dụng chip Core i5-8265U tiết kiệm năng lượng và không có card đồ họa rời, hốc tản nhiệt của ThinkPad L390 chỉ có kích thước ở mức vừa phải. Chi tiết về khả năng tản nhiệt của máy sẽ được người viết đề cập trong phần dưới của bài.

Nhìn chung, thiết kế của L390 đúng như những gì mà bạn sẽ kỳ vọng vào một chiếc laptop ThinkPad. Vuông vức, chắc chắn, có phần nam tính là những từ chúng ta có thể dùng để mô tả về ThinkPad L390.

Màn hình phù hợp nhu cầu giải trí và làm văn phòng

Trào lưu viền mỏng đang trở nên phổ biến trên thị trường thiết bị điện tử, không chỉ laptop mà còn cả smartphone, TV. Thế nhưng, Lenovo vẫn kiên quyết giữ lại viền màn hình dày truyền thống, khiến sản phẩm có phần chậm chân so với trào lưu.

 

Về chất lượng hiển thị, độ phân giải Full HD 1080p trên màn hình 13.3 inch của L390 cho hình ảnh sắc nét nhờ mật độ điểm ảnh cao, tấm nền IPS cho góc nhìn rộng, độ tương phản tốt. Màu sắc của màn hình ở mức trung tính, đáp ứng tốt cho nhu cầu xem phim và sử dụng cho các công việc văn phòng. Độ sáng tối đa của L390 không quá cao nhưng nhờ tấm phủ chống lóa nên vẫn có thể nhìn rõ khi sử dụng ngoài trời, trừ khi bị ánh sáng mạnh trực tiếp chiếu vào.

Giống như nhiều chiếc ThinkPad khác, loa ngoài của L390 được đặt ở phía dưới thân máy. Chất lượng âm thanh của loa ngoài ở mức trung bình. Âm lượng khá lớn, trong trẻo nhưng lượng bass ít. Nếu muốn cải thiện chất âm, bạn có thể sắm thêm bộ loa ngoài hoặc dùng tai nghe. L390 vẫn có jack cắm tai nghe 3.5mm.

Chất lượng bàn phím rất tốt, có đèn LED và touchpad mượt mà

Bàn phím của laptop ThinkPad vẫn luôn được đánh giá cao nhờ cảm giác gõ tốt, độ nảy cao, hành trình phím sâu và L390 không phải ngoại lệ. Do kích thước chỉ 13.3 inch nên L390 không có các dãy phím numpad, nếu công việc thường xuyên phải nhập số liệu thì bạn nên cân nhắc lựa chọn phiên bản L590 với kích thước màn hình 15.6 inch. Bù lại, các phím có kích thước lớn, thoáng đãng, hạn chế gõ nhầm với những người có bàn tay lớn.

Điểm duy nhất mà người viết "chê" trên bàn phím của L390 đó chính là vị trí đặt nút Fn (Function). Các model ThinkPad, bao gồm L390, đặt nút Fn tại vị trí ngoài cùng bên trái, hàng dưới cùng, trong khi ngoại trừ Macbook, đó là vị trí của phím Ctrl (Control), ngay cả trên chiếc ThinkBook 13s của chính Lenovo. Do đó, bạn sẽ rất dễ ấn nhầm khi thực hiện các tác vụ dùng nhiều đến phím Ctrl, đặc biệt là chơi game. Bạn có thể remap lại hai phím này qua một vài thao tác trong BIOS, nhưng đó vẫn là những sự phiền hà không cần thiết, chưa kể tiết diện hai phím này cũng khác nhau. Tuy vậy, cũng phải nói là L390 không phải là laptop nhắm đến nhu cầu cầu chơi game, nên điểm trừ này có lẽ ảnh hưởng đến rất ít người dùng.

Bàn phím có đèn nền với 2 độ sáng khác nhau. Đèn nền được in thẳng lên từng phím chứ không chỉ ở viền nên cho độ sáng cao, rõ ràng, đẹp mắt, dễ thao tác khi làm việc trong đêm hay điều kiện thiếu sáng mà không cần bật thêm đèn bàn.

Nhắc đến ThinkPad thì không thể bỏ qua phím TrackPoint "đặc sản" của Lenovo. Với màu đỏ nổi bật, TrackPoint cho phép bạn điều khiển chuột mà không phải nhấc tay khỏi hàng phím cơ sở (ASDF...) để nâng cao hiệu suất làm việc và gõ phím. Tuy nhiên, để có thể sử dụng thuần thục TrackPoint không phải là chuyện "một sớm một chiều".

Touchpad của L390 có kích thước lớn, rộng rãi và hỗ trợ Windows Precision cho phép nhiều thao tác đa điểm mượt mà. Phía trên touchpad là bộ ba phím ClickPad tương tự chuột trái, chuột phải và con lăn cuộn chuột (bạn có thể gán thành nút middle-click trong phần mềm Lenovo Vantage). Lenovo đặt ba phím này phía trên touchpad cũng nhằm giúp bạn dễ thao tác với TrackPoint hơn, khi làm việc bạn thậm chí sẽ không cần đến chuột nữa.

Vẫn những tính năng bảo mật làm nên thương hiệu

Không ít người có xu hướng lựa chọn laptop ThinkPad vì khả năng bảo mật của chúng, đặc biệt là đối tượng người dùng doanh nghiệp. So với đàn anh L380, L390 đã có một sự bổ sung rất đáng giá là cảm biến vân tay một chạm xác thực qua Windows Hello giúp tăng cường khả năng bảo vệ dữ liệu. Ngoài ra, L390 vẫn có những tiện ích bảo mật như chip dTPM 2.0 mã hóa và lưu thông tin người dùng ngay trên máy thay vì hệ thống đám mây, hay phần mềm Lenovo Vantage cung cấp bộ công cụ phân tích phần cứng để sớm phát hiện lỗi, thiết lập phần cứng theo cá nhân hóa và tự động cài đặt những cập nhật quan trọng.

L390 có webcam nhưng không được tích hợp ThinkShutter để che webcam lại khi không sử dụng như một số sản phẩm gần đây của hãng.

Hiệu năng vừa phải, hoạt động mát mẻ

Phiên bản của VnReview có cấu hình ở mức tầm trung, với chip Intel Core i5-8265U Whiskey Lake, 4GB RAM DDR4, 256GB SSD M.2 SATA. Máy không có tùy chọn GPU rời, nên chúng ta chỉ có thể tin cậy vào nhân đồ họa tích hợp HD620.

Thông thường, các vi xử lý ULV (Ultra Low Voltage) của Intel có TDP (công suất thoát nhiệt) là 15W, nhưng các nhà sản xuất vẫn có thể tùy chỉnh TDP nếu như họ có nhu cầu. Trong trường hợp của L390, Lenovo đã tăng giới hạn tiêu thụ năng lượng lên 25W, cao hơn so với 15W của i5-8250U trên L380. Điều này – kết hợp với xung Turbo cao hơn của I5-8265U – hứa hẹn sẽ giúp L390 có hiệu năng tốt hơn hẳn đàn anh của mình.

Để đánh giá hiệu năng của L390, người viết sử dụng các công cụ phổ biến như Cinebench, GeekBench đối với CPU, PC Mark 10 đo hiệu năng tổng thể qua các tác vụ thông thường và 3D Mark Sky Diver đối với GPU.

Cấu hình của máy qua CPU-Z và GPU-Z

Điểm số đánh giá CPU từ phần mềm Cinebench R15. L390 đạt 144 điểm đơn nhân và 555 điểm đa nhân, thậm chí còn nhỉnh hơn 147 điểm đơn nhân/478 điểm đa nhân trên i7-8550U của L380.

Điểm số đánh giá CPU và GPU từ phần mềm GeekBench 4. Đáng chú ý, điểm đa nhân của i5-8265U tiếp tục cao hơn i7-8550U của L380.

Tốc độ ổ SSD M.2 SATA trên máy đo bằng Crystal Disk Mark

Tốc độ ổ SSD M.2 SATA trên máy đo bằng AS SSD

Nhân đồ họa tích hợp HD620 đã quá quen thuộc với người dùng laptop sử dụng chip Intel, khi chúng đã xuất hiện và gắn bó được nhiều năm. Với tựa game nhẹ như Liên Minh Huyền Thoại, L390 cũng chỉ "kéo" được 60fps khi giảm thiết lập đồ họa xuống mức tối thiểu. Tình hình còn tệ hơn với Counter Strike: Global Offensive, khi fps chỉ loanh quanh ở mức 30-35.

Trong bài test đồ họa "dễ thở" nhất của 3D Mark là Sky Diver, L390 đạt con số khiêm tốn 3884 điểm (vẫn cao hơn L380), trong quá trình test thường xuyên xảy ra hiện tượng giật lag khung hình.

Trong hai bài test PC Mark Express và Extended, L390 lần lượt đạt 3906 và 2230 điểm, ở mức trung bình

Với hiệu năng không phải là điểm nhấn, L390 có lẽ thích hợp cho những nhu cầu thông thường như lướt web, xem phim giải trí hoặc tác vụ văn phòng nhẹ nhàng.

Nhiệt độ và độ ồn hoạt động của L390 ở mức chấp nhận được. Máy chạy êm nhưng vẫn nghe thấy tiếng khi hoạt động 100% công suất, và có thể cảm nhận rõ hơi nóng nếu để máy trên đùi. TDP 25W cho hiệu năng tốt hơn nhưng tỏa nhiệt cũng nhiều hơn, trong khi hệ thống tản nhiệt trên máy chỉ có thể chạy được ở xung nhịp cao trong thời gian ngắn, trước khi bị "bóp" lại để đảm bảo an toàn. Khi chạy CineBench, chỉ có hai nhân là hoạt động ở mức xung nhịp cao (từ 2GHz trở lên), còn lại chỉ hoạt động ở xung nhịp 0.5GHz để giữ mức nhiệt trong khoảng 80 độ.

Chỉ có hai nhân là đạt được xung nhịp cao khi render qua Cinebench

Pin đủ dùng, sạc nhanh

L390 được giữ nguyên viên pin 3 cells 45 Whr của đàn anh L380. Với các tác vụ nhẹ nhàng như duyệt web và soạn văn bản, máy có thể trụ được khoảng 5 tiếng. Xem hết một bộ phim John Wick trên Netflix với thời lượng 1 tiếng 35 phút ở mức sáng 75%, L390 tiêu thụ hết 23% pin, nhìn chung là ở mức vừa đủ dùng.

Củ sạc 45W đi kèm theo máy có kích thước nhỏ gọn, tiện mang theo. Tốc độ sạc nhanh, 1 tiếng được 70% nhưng một phần cũng vì viên pin của L390 có dung lượng không thực sự lớn.

Tổng kết

Nếu coi ThinkPad L380 là một chiếc iPhone thì L390 là phiên bản S của chiếc iPhone đó - giữ nguyên thiết kế, cải thiện hiệu năng. Điều đó đồng nghĩa với việc L390 có đầy đủ những điểm mạnh của đàn anh: ngoại hình chắc chắn, cứng cáp, cổng kết nối phong phú, bàn phím cho trải nghiệm tốt và cả những điểm cần khắc phục, cải thiện: thiết kế viền dày và hệ thống tản nhiệt chưa đủ hiệu quả để duy trì hiệu năng.

Nếu đó là những điều bạn sẵn sàng đánh đổi, ThinkPad L390 là một sự lựa chọn rất ổn cho môi trường văn phòng hay trường học: tính bảo mật cao, đáp ứng nhu cầu về tính gọn nhẹ, di động.

Theo: https://vnreview.vn/

Đánh Giá - Tư Vấn Tiêu Dùng khác

Positive SSL