Phải chăng Intel đang cố tình tạo ra sự nhầm lẫn khiến người dùng khó hiểu và… để bán những con chip sử dụng kiến trúc cũ một cách dễ dàng hơn.
Dù cùng là thế thế hệ 10, nhưng Ice Lake và Comet Lake lại chẳng có “anh em bà con” gì. Ice Lake được sản xuất trên tiến trình 10nm, xung nhịp được giảm xuống nhưng hiệu quả tính toán lại tăng lên, kết quả là tiết kiệm năng lượng hơn so với thế hệ cũ.
Ice Lake cũng đi kèm đồ họa tích hợp Gen 11 Graphics, vố là dòng Iris Plus với khả năng đồ họa cao hơn ít nhất gấp đôi so với Intel UHD, gần bằng đồ họa rời NVIDIA MX150 phiên bản có TDP 10W.
Comet Lake thì chỉ được sản xuất trên tiến trình 14nm, vẫn sử dụng đồ họa tích hợp UHD Graphics, nhìn chung thì giống với Whiskey Lake thuộc thế hệ thứ 8 nhiều hơn. Thay đổi lớn nhất có lẽ là sự bổ sung một con chip i7 có 6 nhân, 12 luồng, xung nhịp tối đa cũng được tăng lên 4.9GHz.
Trước đây với Intel thế hệ 8 với dòng CPU di động cho laptop cũng từng tồn tại hai mã Kaby Lake-R (ví dụ i5-8250U, i7-8550U) và Whiskey Lake (ví dụ i5-8265U, i7-8565U) với hiệu năng không chênh lệch quá nhiều.
Thế rồi bỏ qua thế hệ 9 (trên PC và dòng hiệu năng cao cho laptop vẫn có), Intel lên thẳng thế hệ 10 và cũng đặt ra hai tên mã khác nhau. Nhưng khác với thế hệ 8 vốn sự khác nhau là không nhiều, hai tên mã thuộc thế 10 là hoàn toàn khác nhau.
Thực tế thì trong thế hệ 8 còn có Coffee Lake, vốn là thế hệ 9 trên PC và dòng hiệu năng cao cho laptop, một số cái tên nổi bật gồm i5-8259U, i7-8559U nhưng ít được biết đến.
Tuy vậy chúng lại khá phổ biến nhờ được ưu ái trang bị trên những chiếc MacBook Pro 13 inch 2018 với đồ họa tích hợp Iris 655.
“Comet” có nghĩa là Sao chổi, ngay từ tên gọi đã thấy một cái gì đó rất mạnh mẽ và đúng như vậy, mục đích của Intel ra mắt Comet Lake là mang đến sức mạnh xử lý cao hơn, thậm chí là có thể tương đương với CPU dòng H – hiệu năng cao trên dòng laptop gaming, workstation.
Ngay cả tùy chọn cao nhất i7-10710U với 6 nhân 12 luồng vẫn giữ được mức TDP 25W như những con chip 4 nhân trước đây, mức xung nhịp vẫn có thể đạt mức 4.7GHz để xử lý các tác vụ nặng. Còn i5-10510U vẫn có 4 nhân nhưng xung nhịp lại đẩy lên mức 4.9GHz, rất cao trên một con chip laptop.
Còn hai con chip còn lại trong gia đình Comet Lake là i5-10210U và i3-10110U thì… khá phế vì không nổi bật hơn Whiskey Lake là bao. Có chăng là được hỗ trợ thêm Wi-Fi 6 mới nhất, sẵn sàng cho kết nối tốc độ cao trong tương lai.
Qua những thông tin vừa nói trên thì Comet Lake về cơ bản là một sự bổ sung của Intel dành cho những chiếc laptop cần hiệu năng xử lý cao, nhưng lại không cần nâng cấp về đồ họa. Ví dụ các nhu cầu như xử lý bảng tính khối lượng lớn, các nhu cầu làm đồ họa 2D thì Intel UHD vẫn đáp ứng khá tốt.
Ngoài ra, với xung nhịp rất cao và ưu điểm tiết kiệm điện, các nhà sản xuất laptop thậm chí còn có thể sản xuất ra những chiếc laptop mỏng nhẹ chơi game hay làm đồ họa nặng nhờ kết hợp dòng GPU NVIDIA MX250 hay NVIDIA Max-Q.
Từ tên gọi, “Ice” có nghĩa là băng đá, đủ thấy những chiếc laptop chạy Ice Lake sẽ mát hơn, tiết kiệm pin hơn từ đó nhà sản xuất có thể tạo ra những chiếc máy tính xách tay cực kỳ mỏng nhẹ, nhưng vẫn đảm bảo thời lượng pin dài.
Mặc dù trên lý thuyết TDP thiết kế cho dòng chip Ice Lake không hề thấp hơn, vẫn là 25W, thậm chí tùy chọn cao nhất i7-1068G7 tới 28W nhưng vì đi kèm đồ họa mạnh hơn rất nhiều nên điều này là bình thường.
Việc tích hợp đồ họa mạnh hơn gấp đôi trước đây nhưng vẫn giữ một mức TDP cũng cho thấy lượng điện tiêu thụ của CPU đã giảm đáng kể nhờ tiến trình mới. Khi chạy các tác vụ thông thường như văn phòng, duyệt web không cần nhiều đến GPU chắc chắn sẽ mát hơn, ít tốn pin hơn dòng Comet Lake.
Nếu so với việc sử dụng một CPU Whiskey Lake kết hợp với đồ họa rời NVIDIA MX150 thì rõ ràng Ice Lake cũng cho hiệu quả năng lượng tốt hơn nhiều, trong khi hiệu năng đồ họa chỉ thua một chút.
Từ đó có thể thấy đối tượng mà Ice Lake hướng đến chủ yếu là laptop mỏng nhẹ, cần cả hiệu năng xử lý lẫn đồ họa cần thời lượng pin dài. MacBook Pro 13 inch có lẽ cũng sẽ là đối tượng tiềm năng, vì sở hữu màn hình độ phân giải cao nên từ trước đến nay Apple đều sử dụng phiên bản Intel Core i đi kèm đồ họa tích hợp Iris.
Thông thường các nhà sản xuất laptop chỉ giới thiệu sản phẩm của mình chạy Intel thế hệ mấy, chứ ít khi nói tên mã vì cơ bản cũng không nhiều người dùng hiểu được ý nghĩa của chúng. Vì vậy người dùng cần phân biệt chúng ta tên chip trong bảng cấu hình.
CPU Comet Lake vẫn duy trì cách đặt tên truyền thống qua nhiều năm của Intel. Ví dụ Intel Core i7-10710U thì số “10” là thế hệ 10, số 710 là mẫu vi xử lý cụ thể, hậu tố U hoặc Y chỉ dòng sản phẩm. U là dòng phổ biến cho phần lớn laptop hiện nay, còn Y là dòng siêu tiết kiệm điện.
Còn Ice Lake sẽ kết thúc tên mã với hậu tố để chỉ rõ loại đồ họa tích hợp. Ví dụ Intel Core i7-1065G7 thì G7 chính là hậu tố để xác định thành phần đồ họa của chip.
Việc giới thiệu chỉ 4 sản phẩm dòng U với tên mã Comet Lake cũng đủ thấy Intel định hướng đây chỉ là sự bổ sung cho dòng Whiskey Lake hướng đến những chiếc laptop cần hiệu năng tính toán cao, không cần nhiều đến khả năng đồ họa hoặc sẽ đi kèm đồ họa rời.
Còn Ice Lake mới thực sự là lựa chọn lý tưởng cho những chiếc laptop văn phòng cần thời lượng pin dài, đồ họa tích hợp mạnh mẽ đáp ứng đa tác vụ.
Hiện tại có khá nhiều nhà sản xuất đã nâng cấp những dòng máy tính hiện có của mình lên Comet Lake và sẽ sớm xuất hiện trên thị trường. Còn Ice Lake thì có lẽ chúng ta sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa, có thể là phải đến đầu năm sau mới có thể phổ biến.