Theo ước tính, chỉ riêng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự đoán năm 2021, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp từ 25% - 60% GDP; chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động từ 15% - 21% và làm thay đổi 85% công việc trong khu vực.
Đối với Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đánh giá quá trình đổi mới đã giúp đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, so với các nước phát triển, Việt Nam vẫn là nước có mức thu nhập trung bình, mức độ cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, năng suất lao động người Việt Nam còn rất thấp. Theo báo cáo phân tích từ số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động năm 2018 của Việt Nam chỉ bằng 7,3% của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia, 55,9% của Philippines.
Ngoài ra, theo một số nghiên cứu, các quốc gia đang phát triển có khả năng được lợi nhiều hơn từ chuyển đổi số, do xuất phát điểm thấp hơn, mới hơn, ít gánh nặng hơn, lại có cơ hội tiếp cận tri thức tốt nhất của nhân loại một cách bình đẳng, do vậy, có khả năng chuyển đổi số nhanh hơn, mang lại kết quả đột phá hơn.
Phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao
Với hiện trạng và bối cảnh thế giới, các chuyên gia và nhà lãnh đạo Việt Nam nhận định chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Vì vậy, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp mà Việt Nam cần thực hiện để tạo nền móng chuyển đổi số.
Trong đó, đối với nhiệm vụ phát triển hạ tầng số, Bộ TT-TT nhấn mạnh việc xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc, bắt đầu từ các thành phố lớn, khu Công nghệ cao (CNC), khu Công nghệ Thông tin (CNTT) tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo…
Quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G; nâng cấp mạng di động 4G; sớm thương mại hóa mạng di động 5G; triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di động thông minh tại Việt Nam; xây dựng quy định và lộ trình yêu cầu tích hợp công nghệ 4G, 5G đối với các sản phẩm điện thoại di động và các thiết bị Internet vạn vật (IoT) được sản xuất và nhập khẩu để lưu thông trên thị trường trong nước.
Mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực.
Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6). dịch vụ trực tuyến của các cơ quan nhà nước, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia (.vn).
Phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT); xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số…
Phát triển nền tảng
Ngoài phát triển hạ tầng số, theo Bộ TT-TT, phát triển nền tảng số sẽ mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội. Nền tảng số được tích hợp sẵn các chức năng về bảo đảm an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế, xây dựng.
Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, xây dựng hệ thống thanh toán điện tử cho phép doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng (Mobile Money) đối với người dân.
Xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây (Cloud) với các mô hình triển khai (đám mây công cộng, đám mây dùng riêng, đám mây lai) và các loại hình dịch vụ cung cấp trên đám mây khác nhau, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước và xã hội.
xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục… và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư phát triển các hệ thống này.