'Khoai lang nổi tiếng là loài thực vật cực kỳ giàu dinh dưỡng. Ngoài chất xơ, vitamin, khoáng chất thì khoai lang còn có protein'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Mẹo hay để kiểm soát bệnh gout trong những ngày tết; Những thực phẩm giúp giữ ấm cơ thể khi trời lạnh ngày cận tết; Vì sao cần duy trì tập thể dục đều đặn trong ngày tết?...
Có nên bổ sung protein bằng khoai lang?
Khoai lang nổi tiếng là loài thực vật cực kỳ giàu dinh dưỡng. Ngoài chất xơ, vitamin, khoáng chất thì khoai lang còn có protein. Lượng protein trong khoai lang dù không dồi dào như thịt bò hay gà nhưng cũng là nguồn protein lành mạnh, rất có lợi cho sức khỏe.
Một củ khoai trung bình có trọng lượng khoảng 180 gram, chứa 162 calo cùng 6 gram chất xơ. Lượng chất xơ này sẽ giúp người ăn no lâu và làm chậm quá trình tiêu hóa. Nhờ đó, lượng đường trong máu sẽ không tăng đột biến.
Khoai lang dù có hàm lượng protein thấp hơn thịt gà, thịt bò nhưng đây là nguồn protein lành mạnh không có chất béo và rất có lợi cho sức khỏe SHUTTERSTOCK
Không những vậy, khoai lang còn rất giàu magiê, kali, vitamin A, B6 và C. Đặc biệt, magiê và kali là hai chất điện giải hỗ trợ chức năng tim mạch. Lợi ích dinh dưỡng của khoai lang không dừng lại ở đó, chúng còn giúp bổ sung nước vì khoai lang có đến 75% là nước.
Khoai lang không chỉ có nhiều tinh bột phức tạp mà còn có protein giúp hỗ trợ cơ bắp và sửa chữa tế bào. Protein trong một củ khoai lang là khoảng 3,6 gram. Hàm lượng protein này tương đương với khoai tây.
Tuy nhiên, xét tổng thể thì khoai lang vẫn mang nhiều lợi ích dinh dưỡng hơn so với khoai tây. Ngoài ra, trong khoai tây còn có hàm lượng tự nhiên chất độc solanine. Hàm lượng này thấp nên không gây hại cho sức khỏe người ăn. Một trong những nơi có hàm lượng solanine cao nhất là mầm khoai. Những người mắc một số bệnh tự miễn hay viêm nhiễm có thể gặp vấn đề sức khỏe do không dung nạp solanine. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 7.2.
Mẹo hay để kiểm soát bệnh gout trong những ngày tết
Đối với người bệnh gout, ăn uống kiêng khem để ngăn ngừa bệnh bùng phát trong những ngày tết là rất quan trọng.
Bệnh gout là một dạng viêm khớp gây đau đớn khi tinh thể axit uric phát triển trong khớp, gây kích ứng các mô mềm gần đó. Mặc dù bất kỳ khớp nào cũng có thể bị sứng đau, nhưng phổ biến nhất là ở khớp ngón chân cái.
Sau đây là một số mẹo để quản lý bệnh gout của bạn trong kỳ nghỉ lễ bận rộn.
Đối với người bệnh gout, ăn uống kiêng khem để ngăn ngừa bệnh gout bùng phát trong những ngày tết là rất quan trọng SHUTTERSTOCK
Hạn chế bia, rượu. Chắc chắn sẽ rất khó tránh uống rượu trong những ngày tết vui vẻ, nhưng hãy uống bia, rượu một cách thông minh nếu bạn có tiền sử bệnh gout.
Uống bia, rượu sẽ gây tích tụ axit uric trong máu, vì vậy bạn nên tránh uống quá nhiều trong ngày tết. Nếu uống, hãy nhớ uống bia, rượu kèm với nhiều nước để giữ nước, điều này sẽ giúp axit uric thoát ra khỏi máu dễ dàng hơn.
Lưu ý đến chế độ ăn uống. Mặc dù theo dõi chế độ ăn uống sẽ rất khó trong ngày tết, nhưng bạn cần ưu tiên chế độ ăn ngăn ngừa bệnh gout nếu không muốn 3 ngày tết sẽ phải ngồi một chỗ trong đau đớn.
Thực phẩm có đường, thực phẩm chế biến sẵn và thịt đỏ đều có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, vì vậy hãy hạn chế chúng trong suốt những ngày nghỉ tết, để vui tết trọn vẹn.
Theo Phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ), những loại thực phẩm và đồ uống hàng đầu gây bùng phát bệnh gout là đồ uống có đường và đồ ngọt; thịt nội tạng, thịt gà, ngỗng, bê, thịt nai; hải sản, gồm cá trích, sò điệp, trai, cá ngừ và cá hồi; các loại thịt đỏ, gồm thịt bò, thịt cừu và thịt xông khói. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 7.2.
Những thực phẩm giúp giữ ấm cơ thể khi trời lạnh ngày cận tết
Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết nhiệt độ lạnh sẽ làm quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra chậm hơn. Bên cạnh đó, thời tiết chuyển lạnh có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe với các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, khô da… nếu bạn không giữ ấm cơ thể.
Để giữ ấm cho cơ thể, bên cạnh việc mặc quần áo ấm, bạn có thể lựa chọn một số loại thực phẩm giúp tăng nhiệt độ cơ thể. Khi thời tiết càng lạnh, một chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, vitamin sẽ giúp cơ thể tăng đề kháng, đảm bảo đủ năng lượng chống được cái lạnh của môi trường.
Dưới đây là một vài cách lựa chọn thực phẩm giúp bạn giữ ấm trong những ngày cận tết.
Các thực phẩm giàu đạm như thịt bò giúp làm ấm cơ thể LÊ CẦM
Thực phẩm giàu đạm. Các thực phẩm giàu đạm như thịt bò, cá hồi, hạt dẻ, hạt điều, đậu phộng... có cấu trúc phân tử phức tạp, vì vậy cơ thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để phân cắt và chuyển hóa. Do đó nhiệt sinh ra từ quá trình chuyển hóa sẽ nhiều hơn và giúp làm ấm cơ thể. Ngoài ra, các loại hạt khô còn chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa, đặc biệt chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, vitamin K, sắt và folate giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Sữa đậu ấm. Sữa được nấu từ các loại đậu như đậu nành, đậu phộng, đậu xanh... chứa nhiều vitamin, canxi và là nguồn chất đạm lành mạnh, giàu chất xơ,... giúp làm giảm cholesterol xấu, giảm nguy cơ loãng xương và chống oxy hóa. Sữa đậu còn có tác dụng làm đẹp da và giữ ấm cơ thể rất tốt.
Uống đủ nước, ưu tiên nước ấm. Khi thời tiết lạnh, hanh khô sẽ khiến cơ thể chúng ta mất nhiệt, mất độ ẩm và biểu hiện thường gặp nhất là khô da, nứt nẻ môi. Do đó, bổ sung đủ nước sẽ giúp cơ thể điều hòa nhiệt, làm ấm cơ thể. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!