Được đề nghị nói câu chuyện về Việt Nam nhân kỷ niệm 30-4, sau 45 năm đất nước hòa bình, các vị khách mời của Tuổi Trẻ đều bắt đầu câu chuyện bằng niềm hồ hởi, tự hào này.
Ông Lê Viết Hải (tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình):
Việt Nam sẽ bật dậy
Tôi đi công tác ở Úc về ngày 7-3, lúc chưa có lệnh phải cách ly bắt buộc. Tôi tự cách ly tại nhà. Mấy hôm sau, có xe chuyên dụng đưa nhân viên y tế đến tận cửa nhà tôi kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm.
Tôi thật sự kinh ngạc về sự kiểm soát rất chặt chẽ, nghiêm túc và hiệu quả này. Chính đây là điểm ưu việt của Việt Nam so với các nước khác khi ứng xử trong khủng hoảng: lợi ích tập thể đặt lên trên tự do cá nhân. Kết quả tuyệt vời trong chống dịch của Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Chúng tôi có các dự án du lịch đang bị ảnh hưởng rất nặng nề. Dự án với các nhà thầu chiến lược cũng bị giảm hoặc đình lại rất nhiều. Chúng tôi đang mong những chính sách như giãn nợ để duy trì được hoạt động bình thường.
Dẫu vậy thì với những đánh giá rất tốt của quốc tế về hiệu quả công cuộc chống dịch, tôi cho rằng sẽ có nhiều cơ hội đến với Việt Nam trong thời gian tới, và chúng ta sẽ lại có thể bật dậy.
Từ những ngày thiếu niên chứng kiến chiến tranh từ quê vào thành phố. Nhìn thấy máu xương, tàn phá, tôi cứ tự hỏi có cách nào khác để giải quyết những mâu thuẫn này ngoài chiến tranh không? Tôi 17 tuổi thì hòa bình, thống nhất. Năm 1987, 29 tuổi, đứng ra lập một văn phòng xây dựng nhỏ, tôi lấy tên Hòa Bình. Chiến tranh là tàn phá thì hòa bình là xây dựng, tôi mong ước được cùng xây dựng đất nước hòa bình và phát triển.
Cảm hứng thành quả trước đại dịch hôm nay và những suy ngẫm trong thời gian lắng lại vừa qua nhất định sẽ có ích cho tất cả mọi người, sự tin tưởng và đoàn kết được củng cố sẽ đưa Việt Nam đi nhanh hơn trên đường phát triển.
PHẠM VŨ ghi
Ông Ong Kian Soon (bác sĩ gia đình người Singapore ở TP.HCM):
Ngôi sao đang lên
Việt Nam đã và đang làm được chuyện đáng ngưỡng mộ trong công cuộc kiểm soát virus gây bệnh COVID-19. Tôi chắc chắn nhiều người đã chú ý và sự e ngại ban đầu của họ sẽ biến thành lòng ngưỡng mộ. Việt Nam là một ngôi sao đang lên trên trường thế giới.
Tôi đã sống ở Việt Nam được 4 năm, nhưng từ năm 2003 mỗi năm tôi đều sang Việt Nam một hoặc hai lần. Ngoài Việt Nam, tôi cũng đến nhiều nước châu Á thời điểm đó. So sánh với tất cả những nơi tôi đã đi qua, kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh nhất trong 17 năm qua, đồng thời đạt được nhiều bước tiến tuyệt vời trong việc cải thiện đời sống người dân.
Là bác sĩ, tôi có một số quan sát về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam vào năm 2003, khi đó có rất ít phòng khám và bệnh viện quốc tế. Người nước ngoài và người Việt giàu có thường có xu hướng đến những nơi như Singapore hoặc Thái Lan cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của họ.
Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều phòng khám và bệnh viện quốc tế tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại TP.HCM và mọi người giờ đây có thể tha hồ lựa chọn. Các bệnh viện tư tốt nhất tại TP.HCM hiện có mức độ dịch vụ và chất lượng lâm sàng cạnh tranh với Thái Lan, Singapore ở mức giá mà các nước này không hi vọng có thể cạnh tranh được.
Hơn nữa tôi cảm thấy Việt Nam chỉ mới bắt đầu. Nhìn các khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong những năm gần đây, chúng ta có thể còn thấy nhiều bước tiến hơn nữa.
Có nhiều thứ khiến tôi yêu Việt Nam và gắn bó với nơi này, trong đó tinh thần lạc quan tuyệt vời và không ngừng hi vọng cho tương lai hiện hữu rõ ràng ở đất nước này là điều thu hút tôi nhiều nhất.
Chị Camille Quignon (giảng viên tiếng Pháp ở Trà Vinh):
Ấn tượng mạnh mẽ
Việt Nam đã chiến đấu với COVID-19 từ rất sớm, gần như cùng lúc với Trung Quốc dù lúc đó Việt Nam hầu như vẫn chưa có ca nào cả. Tôi nghĩ Việt Nam đã nổi tiếng là một đất nước an toàn, đang phát triển tốt và tôi chắc rằng với công cuộc ứng phó dịch bệnh này, Việt Nam sẽ càng được coi trọng hơn trên trường quốc tế.
Đất nước này đã xử lý dịch bệnh một cách rất nghiêm túc bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết mà không cản trở quyền tự do cá nhân của mọi người. Tôi nghĩ rằng có nhiều điều mà phương Tây phải học theo.
Tinh thần đoàn kết của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế cũng gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi. Dù Việt Nam không giàu bằng các nước như Pháp hay Anh, họ vẫn gửi tặng khẩu trang cho các nước châu Âu. Đó là tình đoàn kết quốc tế. Việt Nam quan tâm đến người dân không chỉ trong nước mà còn ngoài nước.
Một ấn tượng mạnh mẽ nữa với tôi là trong dịch bệnh này, tôi cảm thấy chính quyền địa phương đã làm rất tốt việc chăm sóc người dân, như chợ 0 đồng, phát gạo miễn phí... Đây là điều cực kỳ quan trọng cho tương lai vì chỉ khi người dân hạnh phúc và khỏe mạnh thì xã hội mới giàu có và thịnh vượng.
Trước khi đến Việt Nam, ấn tượng của tôi về đất nước này khá đa chiều. Một mặt, tôi biết đến Việt Nam qua những bài học ở trường về chiến tranh. Mặt khác tôi lại nghe nhiều bạn bè đã từng đến Việt Nam nói rằng đất nước này rất đẹp và là một đất nước tuyệt vời, thân thiện. Sau khi đến đây sống, tôi nghĩ rằng tôi đồng ý với bạn mình, đặc biệt là vì người Việt Nam thật sự rất thân thiết, thích giao tiếp với người khác.
Tôi cảm thấy Việt Nam đang phát triển rất tốt và có rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên mọi sự phát triển nhanh đều khó tránh khỏi những vấp váp và tôi hi vọng rằng Việt Nam có thể kiểm soát chúng, ví dụ việc có quá nhiều siêu thị hiện đại có thể gây thiệt hại cho chợ địa phương. Ngoài ra, hãy luôn giữ tinh thần đảm bảo rằng người nghèo không bị bỏ rơi.
Chị Angeli Calisto (nhà sáng lập, giám đốc sáng tạo Công ty sáng tạo Karma Creatives, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất):
Một niềm tin, một ý chí của người dân và Chính phủ
Việt Nam xử lý dịch bệnh COVID-19 tốt đáng kinh ngạc. Tôi sẽ mãi ngạc nhiên về cách Chính phủ của các bạn đã hành động nhanh chóng để ngăn chặn dịch bệnh này trở thành một thảm họa tàn khốc. Tôi cũng rất ấn tượng với sự đoàn kết, một niềm tin, một ý chí của người dân và Chính phủ, và ước những gì diễn ra ở Việt Nam cũng diễn ra ở các nước khác.
Mặc dù mới ở Việt Nam 4 năm, tôi đã chứng kiến nhiều tình huống người Việt đồng lòng ủng hộ một việc lớn (như cách ủng hộ các trận bóng lớn). Do đó tôi không ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam và cả người nước ngoài đoàn kết, hợp tác và tôn trọng các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam. Hình ảnh về Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều trong mắt người nước ngoài đang hoặc từng sống ở đây sau khi chứng kiến những gì Việt Nam đã làm để bảo vệ người dân và cộng đồng người nước ngoài.
Trước đây nhiều người trong chúng tôi có ấn tượng rằng mọi thứ ở Việt Nam dường như rất lộn xộn và thiếu tổ chức. Ví dụ cách người Việt lái xe. Cách Việt Nam xử lý khủng hoảng COVID-19 quá tốt cho tôi hi vọng rằng một ngày nào đó, người Việt Nam và người nước ngoài, chúng ta sẽ không cần đến một đại dịch mà vẫn có thể hợp tác và tôn trọng nhau, chung tay làm cho Việt Nam sạch sẽ và trật tự hơn.
Ông Rafael Master (người Anh, CEO Công ty Vulcan Augmetics, hoạt động trong mảng công nghệ phần cứng phục vụ cho cộng đồng người khuyết tật):
Người Việt đồng lòng nhất trí khi cần
Cách đây vài hôm, trong chương trình phát thanh khá nổi tiếng ở Anh do MC James O’Brien phụ trách, anh ấy nói về hiệu quả chống dịch ở Việt Nam, cách người dân chấp hành các biện pháp hạn chế. Người dân ở Anh rất ngạc nhiên khi biết người dân, trước cả chính quyền, đã chủ động phòng vệ trước dịch bệnh từ rất sớm.
Việt Nam đã xử lý dịch bệnh hiệu quả nhất có thể, bằng các biện pháp mạnh ngay từ sớm. Điều này đã làm cho Việt Nam trở nên an toàn hơn rất nhiều so với các nước khác. Tôi không chắc người nước ngoài ở Việt Nam hay cộng đồng quốc tế có thay đổi cách nhìn về Việt Nam như thế nào, nhưng chắc chắn sự việc này cung cấp thêm cho họ thông tin và góc nhìn mới.
Sau khi nhìn thấy hiệu quả chống dịch của Việt Nam, chúng tôi không khỏi so sánh với các nước phương Tây và thấy cần xem Việt Nam trong tư cách là một đất nước có tổ chức và đủ khả năng giải quyết các vấn đề lớn.
Tôi sống và thành lập công ty ở Việt Nam 12 năm qua vì yêu Việt Nam. Tôi rất tin tưởng vào khả năng, trình độ và hoài bão của người Việt. Thật tuyệt khi nhìn thấy những thành tích chống dịch COVID-19 của Việt Nam nhưng nó không làm tôi quá ngạc nhiên.
Khi cần làm việc tối hệ trọng, người Việt sẽ đoàn kết một lòng từ trên xuống. Đây là điều tôi chưa từng chứng kiến trước đây dù tôi biết nó đã xảy ra trong lịch sử bảo vệ đất nước của người Việt. Với tôi, chứng kiến điều này có ý nghĩa đặc biệt, đó là điều tuyệt vời.
NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN ghi
Ông Trần Việt Hùng (Việt kiều Úc):
Tự hào với mỗi tin tức Việt Nam
Những ngày này, ở Úc, chúng tôi phải thực hiện lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Cái hẹn trở lại Việt Nam vào tháng 3 không thực hiện được. Ngồi đọc xem tin tức, nghĩ về quê hương lúc này lòng tôi thật vui mừng. Thật sự chưa bao giờ hình ảnh Việt Nam lại đẹp lên trong mắt thế giới như những ngày này, có được sự ủng hộ không hề tranh cãi như những ngày này.
Công cuộc chống dịch mà Chính phủ và người dân Việt Nam đã và đang tiến hành với những kết quả thật tuyệt vời. Với tiềm lực y tế và cơ sở vật chất hạn chế, vậy nhưng Việt Nam đã không chỉ chữa trị, bảo vệ miễn phí cho người dân trong nước mà cả những người nước ngoài và còn làm nghĩa vụ quốc tế với nước ngoài qua những kiện hàng trang thiết bị y tế viện trợ, trao tặng...
Việt Nam đã chứng minh mình có những quyết sách đúng đắn, những giải pháp phù hợp, sự đoàn kết một lòng của cả nước (những sáng kiến tuyệt vời của người dân như "ATM gạo") và chứng minh mình là một người bạn chân thành, đáng tin cậy, trông đợi của các nước bạn.
Tôi biết những thiệt hại về kinh tế mà Việt Nam sẽ phải gánh chịu cùng với thế giới sẽ vô cùng lớn, lại càng nặng nề hơn khi tiềm lực của các doanh nghiệp phần lớn còn nhỏ và yếu. Nhưng trong nguy có cơ, tôi tin rằng cơ hội sẽ đến với Việt Nam nhiều hơn chính từ ấn tượng đẹp đẽ này.
Từ 10 năm nay tôi thường về Việt Nam, mỗi lần về là mỗi bất ngờ trước sự đổi thay, phát triển của TP.HCM và các đô thị.
Đất nước bây giờ đã khác xưa nhiều quá. Mỗi ngày, tôi vẫn chờ đợi trên mạng Internet để được đọc, được xem những tin tức, hình ảnh tốt đẹp của người Việt Nam, và mỗi ngày tôi càng thấy Việt Nam thêm đẹp, thêm đáng tin cậy.
Tiến sĩ Trần Việt Hùng sinh năm 1950. Năm 1967 ông du học ở Nhật và tham gia phong trào phản chiến của sinh viên Việt Nam. Ông tốt nghiệp tiến sĩ ngành công nghệ thực phẩm tại Úc và có nhiều năm làm việc, tư vấn cho các cơ sở sản xuất sữa đậu nành tại TP.HCM, Hà Nội.
“Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn các bác sĩ đã điều trị cho tôi. Tôi cảm thấy may mắn và rất hạnh phúc. Nếu có cơ hội trong một hoàn cảnh tốt hơn, không phải dịch bệnh, tôi sẽ ghé thăm họ một lần nữa.
Bệnh nhân thứ 53, quốc tịch Cộng hòa Czech, nói khi xuất viện
Ông Huyền Lam (Việt kiều Mỹ):
Hãy chuyển hóa năng lượng để đất nước thăng hoa
Sau cuộc họp trực tuyến, đồng nghiệp Mỹ hỏi tôi vì sao Việt Nam chống virus corona hiệu quả hơn các nước có hạ tầng cơ sở, khoa học kỹ thuật, nội lực kinh tế hơn cả trăm lần?
Tôi trả lời: Việt Nam coi vấn đề chống dịch là một cuộc chiến toàn dân, một cuộc chiến nhân dân, theo gương tiền nhân ngàn năm về trước ở Hội nghị Diên Hồng: "Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến...". Cả đất nước cùng tham gia chống dịch. Từng nhà, từng tổ, từng khu phố bảo vệ phòng tuyến của mình. Mỗi người bị nhiễm đều được điều tra hành trình để lập phòng tuyến ngăn chặn phát sinh. Thế nên Việt Nam khởi đầu chỉ có hơn 10 ca, sau mấy tháng cũng chỉ vài trăm ca nhiễm, chưa có người tử vong.
Việt Nam còn có những sáng tạo "gây bão" khiến thế giới ngạc nhiên và cảm phục như ca khúc Ghen Cô Vy và "ATM gạo". Không có quốc gia nào nghĩ đến phương cách giáo dục quần chúng hiệu quả như bài hát Ghen Cô Vy. "ATM gạo" cũng là giải pháp nhân đạo thực dụng hiệu quả duy nhất.
Sống ở Mỹ nhưng tôi rất tự hào về công cuộc chống dịch này như tất cả những người Việt Nam. Nhưng đây mới là điều tôi thiết tha: Hãy chuyển hóa năng lượng tự hào và sự hi sinh đang dâng trào ấy để mỗi cá nhân tốt đẹp hơn, nhân văn hơn, góp phần cho xã hội thăng hoa. Đừng để những bất công xã hội, nạn quan quyền tham nhũng gây khổ cho dân, làm xấu đi, chậm phát triển một đất nước rất đỗi anh hùng.
Việt Nam trong tôi đẹp dần lên theo năm tháng, nhưng vẫn cần phải tiếp tục cải thiện nhiều. Nạn tham nhũng vẫn còn, quan quyền bao che cũng còn. Trong vài năm gần đây, tình hình luật pháp đã có phần cải thiện hơn, quan chức tham nhũng, tiêu cực bị xử lý đã gây dựng trở lại lòng tin vào pháp luật. Tôi cho rằng muốn đất nước phát triển bền vững và được toàn dân tin tưởng thì phải đi tiếp như thế. Việt Nam cần xem trận chiến chống tham nhũng, quan quyền, bao che, phe phái giống y như trận chiến chống corona vậy.