Trung Quốc lần đầu tiên không ghi nhận ca tử vong nào
Theo hãng tin AFP, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc hôm nay 7-4 thông báo lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu công bố số liệu dịch bệnh tháng 1-2020, nước này không ghi nhận ca tử vong nào theo ngày vì COVID-19.
Dù số ca bệnh tại Trung Quốc đại lục đã giảm dần từ tháng 3, nhưng nước này vẫn đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai từ nước ngoài đưa vào với tổng cộng gần 1.000 ca nhập khẩu.
Theo đó, hết ngày 6-4, Trung Quốc có thêm 32 ca nhiễm mới trên toàn quốc, tất cả đều từ bên ngoài đưa vào. Cũng có 30 ca mới chưa có triệu chứng.
Như vậy tới nay Trung Quốc có tổng cộng 81.740 người nhiễm bệnh, 3.331 người đã chết vì COVID-19.
Mỹ: Thêm hơn 27.000 ca nhiễm, số ca tử vong vượt 10.000
Theo cập nhật của trang Wordometers lúc 6h15 ngày 7-4, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 27.415 ca bệnh COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 364.088 ca.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ tăng thêm 1.176 ca, lên tổng cộng 10.792. Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm đứng đầu thế giới và số ca tử vong do COVID-19 đứng thứ ba thế giới (sau Ý và Tây Ban Nha).
Pháp ghi nhận số ca tử vong mới kỷ lục
Ngày 6-4, Pháp ghi nhận thêm 833 ca tử vong do COVID-19 bên trong các bệnh viện và viện dưỡng lão trong vòng 24 giờ. Đây là số ca tử vong tăng thêm trong một ngày cao nhất tới nay ở nước này.
Trước diễn biến này, Pháp đã ghi nhận các tín hiệu tích cực khi số ca tử vong tăng thêm trong ngày 5-4 chỉ là 357, mức tăng thấp nhất trong khoảng một tuần, làm dấy lên hi vọng rằng nước này đã chạm đỉnh dịch.
Tuy nhiên, với diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran nhận định nước này vẫn chưa tới giai đoạn đó. Hiện số ca tử vong do COVID-19 ở Pháp là 8.911 ca, cao thứ tư thế giới sau Ý, Tây Ban Nha và Mỹ.
Hãng tin AFP bình luận các con số này nhắc nhở nước Pháp - bị phong tỏa từ ngày 17-3 để làm chậm sự lây lan của COVID-19 - về con đường dài phía trước, sau khi các số liệu cho thấy sự cải thiện trong vài ngày.
Thủ tướng Đức: EU đối diện "thử thách lớn nhất"
Ngày 6-4, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng đại dịch COVID-19 là thử thách lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tới nay và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sức mạnh khối để vượt qua khủng hoảng.
"Theo tôi, Liên minh châu Âu đang đối diện với thử thách lớn nhất kể từ lúc thành lập. Chúng ta đang gặp một thách thức y tế lớn ảnh hưởng tới tất cả quốc gia thành viên" - bà Merkel nói.
Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên về COVID-19
Hãng tin AFP dẫn thông tin từ các nhà ngoại giao ngày 6-4 cho hay Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên về đại dịch COVID-19 vào ngày 9-4 tới, sau nhiều tuần bất hòa giữa 5 thành viên thường trực.
Tuần trước, 9/10 thành viên không thường trực đã chính thức yêu cầu tổ chức một cuộc họp có mặt của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres.
Morocco bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài
Chính phủ Morocco cho hay kể từ ngày 7-4, nước này bắt buộc bất kỳ ai khi ra ngoài đều phải đeo khẩu trang để đối phó dịch COVID-19. Người nào không tuân thủ quy định mới có thể sẽ bị phạt tù lên tới 3 tháng và phạt tới 1.300 dirham.
Khẩu trang sẽ được bán với giá 0,8 dirham (0,08 USD) mỗi đơn vị (đã được trợ giá). Người phát ngôn Bộ Công nghiệp Morocco Taoufiq Moucharraf cho hay quốc gia Bắc Phi này có kế hoạch sẽ tăng sản xuất khẩu trang lên mức 6 triệu cái mỗi ngày vào tuần tới, tăng từ mức 3,3 triệu cái hiện tại.
Israel phong tỏa toàn quốc gần... 3 ngày
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo sẽ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 7-4 tới 10-4 để ngăn dịch COVID-19 lây lan trong suốt kỳ nghỉ lễ Do Thái Passover (Lễ Vượt qua) ở nước này. Thời gian có hiệu lực cụ thể là từ 16h chiều 7-4 tới sáng 10-4, theo trang Times of Israel.
Trong một bài phát biểu qua truyền hình, ông Netanyahu cho biết các hạn chế đi lại sẽ được siết chặt trong ngày 7-4 và rằng người dân Israel sẽ bị cấm rời khỏi nhà vào tối 8-4, khi mà các gia đình thông thường sẽ ra ngoài để tham gia các hoạt động truyền thống trong dịp lễ trên. Các hoạt động di chuyển giữa các thành phố sẽ bị cấm trong gần 3 ngày này.
WHO: Ưu tiên khẩu trang cho nhân viên y tế, nếu dỡ phong tỏa phải làm từng bước
Ngày 6-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại rằng việc công chúng sử dụng quá nhiều khẩu trang y tế có thể làm gia tăng tình trạng thiếu hụt khẩu trang dành cho các nhân viên y tế, những người đang ở tuyến đầu chống dịch COVID-19, theo Hãng tin Reuters. WHO cho rằng việc công chúng sử dụng khẩu trang có thể sẽ hợp lý ở những nơi mà các biện pháp khác như rửa tay và giãn cách khó thực hiện.
Đồng thời, WHO cho biết lệnh phong tỏa được áp dụng tại nhiều nơi đang cho thấy hiệu quả trong việc cản trở sự lây lan của COVID-19, và bất kỳ quyết định dỡ bỏ các hạn chế đều sẽ cần một cách tiếp cận chuẩn và từng bước dựa trên dữ liệu.
"Chỉ dùng khẩu trang thôi sẽ không thể chấm dứt đại dịch. Các quốc gia phải tiếp tục truy tìm, cách ly và điều trị mọi ca nhiễm, đồng thời theo dõi mọi hoạt động tiếp xúc" - tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Gheybresus phát biểu tại một cuộc họp báo.
*Cũng theo WHO, hiện thế giới cần gần 6 triệu y tá, đặc biệt tại châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ. "Y tá là xương sống của bất kỳ hệ thống y tế nào" - ông Tedros nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ cho các y tá.
Nguồn: tuoitre.vn