Bão tan, họ xắn tay dọn nhà, sửa mái ngói, những người dân sống lâu năm tại miệt biển này vẫn còn kinh hãi trước sức gió khủng khiếp mà họ chưa từng chứng kiến trong đời.
Nhà bay mái tôn, ngói tốc la liệt
Bão đi qua, tại con đường liên xã đi qua xã Phổ An, TX Đức Phổ, cây cối hai bên đường ngã đổ la liệt cản cả lối đi dù từ hôm trước khi bão đổ bộ, chính quyền và dân quân xã đã thuê 4 cưa máy cùng hỗ trợ bà con cưa cắt cành cây chống ngã đổ. Tôn kẽm, tôn xi măng cùng cây cối, trái cây rơi rớt đầy đường, kêu lộp bộp khi lốp xe máy cán qua.
Trên con đường dẫn ra biển, những cây bạc hà lâu năm to như mặt bàn bị gió quật trốc gốc nằm chắn ngang lối đi. Trong khu dân cư, hầu như nhà nào cũng bị hư hại tùy mức độ. Nhẹ thì bay vài viên ngói, nặng thì bị gió thổi mất cả mái tôn, bảng hiệu, sập tường, ướt hỏng đồ đạc, hàng hóa. Khung cảnh các thôn xã dọc vệt biển TX Đức Phổ tan hoang, xơ xác.
Tại chợ Phổ An, khung cảnh tiêu điều khi những mái tôn nhà chợ vốn tạm bợ đã bị gió lớn đánh cho tơi tả, rơi vãi xung quanh. Đối diện cổng chợ, ngôi nhà của vợ chồng tiểu thương Trần Thị Chín (54 tuổi) bay mất phần mái, nước mưa tạt vào ướt hỏng số hàng hóa cả trăm triệu đồng. Bão đi qua, vợ chồng bà Chín thất thểu bước ra thu dọn ít chén đĩa, bàn ghế còn khô ráo đem cất sau nhà. Còn phần nhiều những nồi cơm điện, phích nước, bàn ghế gỗ ép và những thứ hàng hóa khác của cửa hàng coi như hư hỏng hết.
Thẫn thờ như không tin nổi thiệt hại vừa ập tới, bà Chín nói như khóc: "Hôm nghe tin bão sắp vô vợ chồng tôi đã ràng buộc chặt chẽ mái tôn, chèn bao nước cho kỹ lưỡng nhưng ngờ đâu gió vào quá lớn giật bay hết mái. Lúc đó khoảng 10h30, trời sáng rõ rồi nhưng hai vợ chồng nằm cố thủ trong phòng nhìn đồ đạc hư hết vì gió nguy hiểm quá, không dám đi ra cứu đồ. Bây giờ hư hỏng hết cả rồi, đêm nay mưa lại không biết phải ngủ ở đâu!".
Cần tấm tôn, mái ngói mới
Tương tự, gia đình bà Huỳnh Thị Nhâm (50 tuổi), trú xã Phổ An, cũng bị gió thổi sập mái tôn cửa hàng và thổi nát mái tôn bên trong nhà. Sống đã hơn nửa đời nhưng bà Nhâm ớn lạnh khi lần đầu đối mặt trận bão dữ dội như bão số 9. Từ 10h sáng, gió bão trở nên dữ dội vô cùng, rít qua những mái nhà. Sợ quá, bà Nhâm cùng chồng và các con chui xuống tấm phản nằm yên nín thở chờ cơn bão qua đi.
Mở cửa ra thấy 2 mái tôn bị sụp, bà Nhâm lòng buồn rười rượi nhưng thấy cả thôn ai ai cũng bị hư hại nhà cửa, bà chép miệng tự nhủ còn người còn của rồi cùng con cái tất bật dọn dẹp đống đổ nát. "Chưa bao giờ tôi thấy gió bão mạnh và đáng sợ như vậy, lúc bão vào gió rít, hú liên hồi. Mấy cây bạch đàn, cây dừa to như rứa mà gió uốn cong vẹo, còn mái tôn thì bị thổi bay như giấy vụn. Bây giờ dựng lại 2 cái mái tôn chắc tốn không dưới 20 triệu, nhưng thôi còn người còn của" - bà Nhâm bộc bạch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Mỹ, chủ tịch UBND xã Phổ An, cho biết ước tính có tới 50% số nhà trong xã bị hư hại do bão số 9, nhiều nhất là tốc mái tôn, bay ngói. Trong đó, không chỉ những nhà cấp 4 tạm bợ thiệt hại mà ngay cả những nhà mới xây kiên cố cũng bị hư hại.
Ngay tại UBND xã Phổ An, tòa nhà Công an xã kiên cố bị gió lật bay một nửa mái tôn. Tại các tầng tòa nhà UBND xã, dù đã chằng néo cẩn thận nhưng các cửa kính, cửa chính các tầng cao vẫn bị gió đánh nát tả tơi. Cạnh đó, một trụ viễn thông cũng bị đánh gãy làm đôi.
Ngay khi gió ngớt, lãnh đạo xã đã cử công an, dân quân mang cưa, rựa ra cưa cắt dọn đường và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Với những người dân vùng biển Quảng Ngãi bây giờ, thứ cần nhất là những tấm tôn, tấm ngói mới và bao xi măng để dựng lại nhà cửa sau bão dữ.
TẤN LỰC
Báo Tuổi Trẻ