TP.HCM kiến nghị được chuyển từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm nguy cơ

TP.HCM kiến nghị với Thủ tướng đánh giá, phân loại thành phố từ nhóm nguy cơ cao giảm xuống nhóm nguy cơ với dịch bệnh COVID-19 từ sau ngày 22-4.
TP.HCM kiến nghị được chuyển từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm nguy cơ - Ảnh 1.

Nhân viên ga Sài Gòn (Q,3, TP.HCM) trong một buổi tổ chức cho hành khách khai báo y tế - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chiều 20-4, TP.HCM tổ chức giao ban trực tuyến về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19. Chiều cùng ngày, TP cũng giao ban trực tuyến với Chính phủ về tình hình phòng chống dịch bệnh.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho hay TP đã báo cáo tình hình phòng chống dịch bệnh của TP và kiến nghị Thủ tướng về việc thay đổi đánh giá xếp loại nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại TP từ sau ngày 22-4. Theo đó, kiến nghị chuyển TP từ nhóm nguy cơ cao giảm xuống còn nhóm nguy cơ.

Báo cáo về tình hình phòng chống dịch COVID-19, giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay thế giới hiện có hơn 2,4 triệu người nhiễm, trong đó hơn 165.000 người tử vong. Cao nhất là Hoa Kỳ, tiếp đến là Tây Ban Nha, Ý... Trong đó, các nước châu Âu chiếm 2/3 số lượng tử vong cả thế giới. Các nước khu vực Đông Nam Á cũng tăng nhanh số lượng người nhiễm COVID-19 như Singapore, Thái Lan...

Việt Nam vẫn giữ vững số lượng người nhiễm là 268, chữa khỏi 202 (con số tính đến 12h ngày 20-4)… TP.HCM vẫn giữ 54 trường hợp mắc COVID-19 từ ngày 3-4 đến nay, đã có 51 ca xuất viện, còn 3 ca vẫn điều trị. Còn 71 trường hợp cách ly tập trung và 197 trường hợp cách ly tại nhà.

Về xét nghiệm sàng lọc công nhân, đã xét nghiệm 3.300 trường hợp thì hầu hết âm tính, còn 100 mẫu chờ kết quả.

Cho đến nay, TP vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm theo chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội cũng như chỉ đạo của UBND TP, chưa hề lơi lỏng các biện pháp đang áp dụng.

TP đang tập trung khảo sát nguy cơ ở các doanh nghiệp 3.000 công nhân trở xuống (các doanh nghiệp có 3.000 công nhân trở lên đã hoàn thành khảo sát) và phải hoàn thành trước 25-4 để TP hoạch định kế hoạch lâu dài. Các sở ngành cũng đang hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus corona cho riêng ngành mình và sẽ hoàn thành trước 30-4.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho hay sau ngày 22-4, Thủ tướng sẽ tiếp tục họp để đánh giá tình hình và có chỉ đạo tiếp theo. TP hiện nằm trong nhóm nguy cơ cao. TP.HCM kiến nghị xem xét phân loại TP từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm nguy cơ để có giải pháp phòng chống dịch phù hợp.

Trước đó hôm 15-4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chia các tỉnh - thành thành 3 nhóm: nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp để có giải pháp phòng chống dịch phù hợp. TP.HCM thuộc nhóm 12 tỉnh thành có nguy cơ cao và thực hiện nghiêm chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội cũng như các biện pháp khắt khe về phòng chống dịch.

Bố trí lực lượng kiểm soát dịch bệnh ở các chợ

Theo Trung tâm Báo chí TP.HCM, chiều cùng ngày, tại cuộc họp trực tuyến về tình hình phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM sẽ bố trí lực lượng kiểm soát dịch bệnh tại các chợ.

Ông Phong cũng nhấn mạnh tuy không còn ổ dịch cộng đồng nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Bên cạnh việc chuẩn bị kỹ các phương án, biện pháp tái khởi động các hoạt động kinh tế, TP sẽ tiếp tục tập trung vào các nội dung trọng tâm phòng chống dịch như: tổ chức lực lượng đội phản ứng nhanh cấp TP; 24 đội phản ứng nhanh cấp quận - huyện, 322 đội phản ứng nhanh các xã - phường - thị trấn để kiểm tra việc tuân thủ giãn cách xã hội.

Ngoài ra, sẽ bố trí lực lượng chức năng túc trực tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối (từ lúc bắt đầu họp chợ đến khi tan chợ) để kiểm tra việc giãn cách xã hội, xử phạt và từ chối cho vào chợ nếu người dân không đeo khẩu trang. Đồng thời xử phạt hành vi không đeo khẩu trang thông qua hệ thống camera trên toàn địa bàn TP, qua đường dây nóng.

Trung tâm chỉ huy khẩn cấp của TP sẽ tiếp nhận ý kiến của người dân và chuyển qua đội phản ứng nhanh những phản ánh của người dân trong vấn đề thực hiện giãn cách xã hội.

Nguồn: tuoitre.vn 

Eaz Cafe khác

Positive SSL