Ảnh Getty Images. |
Vụ việc đã khiến cho những mâu thuẫn về màu da và chính trị lâu nay tại Mỹ bùng phát thành những cuộc biểu tình, thậm chí còn biến tướng thành cướp bóc và bạo lực ở nhiều nơi.
Người biểu tình tràn ra phố sau nhiều tuần giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, khiến hàng triệu người Mỹ bị mất việc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nhóm thiểu số.
Người biểu tình ở nhiều nơi còn đập phá, đốt cháy nhiều phương tiện trên đường phố, cảnh sát phải dùng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông ở nhiều thành phố.
Tại thành phố New York, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 350 người biểu tình và 30 sĩ quan bị thương nhẹ. Thị trưởng Bill de Blasio cho biết hành vi của cảnh sát đang được điều tra, bao gồm các video được chia sẻ rộng rãi cho thấy một chiếc xe thể thao đa dụng của cảnh sát ở Brooklyn chen lấn và lao thẳng vào đám đông người biểu tình đang dùng đá và nhiều mảnh vụn khác ném vào xe.
Tuy nhiên, đám đông người biểu tình tụ tập và không đeo khẩu trang cũng làm dấy lên lo ngại trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vốn lây lan cho 1,8 triệu người và giết chết hơn 100 ngàn người tại Mỹ.
Bạo lực lan rộng bất chấp lệnh giới nghiêm ở một số thành phố lớn gây bất ổn dân sự trong những ngày gần đây, từ Atlanta, Los Angeles, Philadelphia, Denver, Cincinnati, Portland, Oregon đến Louisville.
Tại Philadelphia, chính quyền thành phố đã buộc chuyển giờ giới nghiêm bắt đầu đầu từ 6 giờ tối thay vì 8 giờ, và yêu cầu tất cả các doanh nghiệp đóng cửa trước giờ này.
Trong khi đó, Quận Columbia cũng đã đặt giờ giới nghiêm là 11 giờ đêm sau hai đêm giao tranh giữa cảnh sát và người biểu tình gần Nhà Trắng.
Các cuộc biểu tình cũng bùng lên ở Chicago, Seattle, Salt Lake City, Cleveland và Dallas.
Các cuộc đụng độ ở Minneapolis đã đánh dấu đêm thứ 5 của chuỗi các cuộc đốt phá, cướp bóc và phá hoại ở các khu vực của thành phố lớn nhất bang Minnesota. Thống đốc bang Minnesota ngày 30/5 đã huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia Minnesota lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai.
Cand.com.vn