Cần theo dõi, giám sát, tránh chủ quan, lơ là
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 không để lây nhiễm trong cộng đồng, đồng thời cho nới lỏng các biện pháp để người dân cả nước có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường và để tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Theo quy định hiện hành về việc công bố hết dịch, nếu 28 ngày tính từ ngày bệnh nhân cuối cùng từ cộng đồng được cách ly và không phát sinh bệnh nhân mới thì có thể tính đến công bố hết dịch.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tính đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa tính đến việc công bố hết dịch COVID-19.
“Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia đánh giá Việt Nam đang khống chế dịch tốt và khả năng xảy ra làn sóng thứ hai rất ít, tuy nhiên ban chỉ đạo chưa tính đến thời điểm công bố hết dịch vì số ca mắc mới ghi nhận trên thế giới vẫn còn cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện bảo hộ công dân, đưa công dân Việt Nam kẹt lại ở nước ngoài hoặc có nhu cầu về nước, vì vậy vẫn có nguy cơ phát sinh thêm ca bệnh mới” - ông Tuyên nói.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Tuyên, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết cần phải tiếp tục theo dõi, giám sát để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, việc công bố hết dịch cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tâm lý chủ quan, lơ là phòng, chống dịch.
Người dân trước khi vào trung tâm thương mại ở quận Thủ Đức (TP.HCM) bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và kiểm tra thân nhiệt. Ảnh: HOÀNG GIANG
Thêm nhiều bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
Ngày 11-5, thông tin từ Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết có tám bệnh nhân mắc COVID-19 tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương được công bố khỏi bệnh, trong đó có nhiều bệnh nhân tại ổ dịch thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.
Hiện tại sức khỏe tám bệnh nhân đều ổn định, không ho, không sốt, tất cả trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Như vậy, cả nước đã có 249/288 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh. Trong số các ca bệnh đang điều trị, số ca âm tính lần một với SARS-CoV-2 là tám ca, số ca âm tính lần hai trở lên là 11 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 25.361. Trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 373; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.181; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 13.807. |
BN19 tiến triển tốt, ban ngày tự thở khí phòng, chiều tối thở ôxy, phổi thông khí rõ. Bệnh nhân tỉnh, giao tiếp tốt, cơ lực cải thiện, không sốt.
Trong một diễn biến khác, ngày 11-5, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết đang tiếp nhận điều trị cho BN278. Hiện bệnh nhân ho nhiều, sốt cao, đang được cho thở ôxy mũi, tình trạng tạm ổn.
Trước đó, BN278 (nữ, 50 tuổi) là một trong 17 bệnh nhân mắc COVID-19 từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) về nước ngày 3-5. Bệnh nhân được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 7-5 và được cách ly điều trị tại BV đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Do sức khỏe diễn biến xấu, suy hô hấp, BV đa khoa Bạc Liêu đã xin ý kiến của Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) xin chuyển bệnh nhân lên TP.HCM để có điều kiện điều trị tốt hơn. Chiều 10-5, bệnh nhân được chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để điều trị tiếp tục.
Phổi BN91 “vẫn còn hy vọng” TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ngày 11-5 cho biết các chuyên gia nhận định khả năng hồi phục chức năng phổi của bệnh nhân 91 hiện còn chưa rõ, song chưa đến mức bị phế bỏ. Do phổi bị tổn thương, bệnh nhân duy trì thở máy để phổi vẫn hoạt động ở chế độ nghỉ ngơi chờ hồi phục. Hiện BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp tục điều trị bệnh nhân, tiến hành các xét nghiệm và thủ tục để chuẩn bị ghép tạng khi có chỉ định. Trong ngày 10-5, Bộ Y tế cùng các chuyên gia năm bệnh viện cả nước đã hội chẩn về phương án ghép phổi cho bệnh nhân. Kết quả hội chẩn kết luận bệnh nhân “chưa thể ghép phổi ngay” do tình trạng nhiễm trùng phổi nặng, ca ghép phổi phải phụ thuộc vào nguồn tạng, độ tương thích giữa phổi của người hiến và người được ghép. “Nếu đủ điều kiện phẫu thuật ghép phổi, bệnh nhân sẽ được chuyển sang BV Chợ Rẫy” - BS Châu nói. Đây là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất hiện nay, diễn biến sức khỏe rất thất thường. Bệnh nhân được xác định dương tính ngày 18-3, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ và không bệnh nền. Phổi bệnh nhân đông đặc, mẫu bệnh phẩm nhiều lần âm tính rồi dương tính SARS-CoV-2 trở lại. |