ĐÁNH GIÁ ACER SWIFT 7: HY SINH NHIỀU THỨ ĐỂ MỎNG VÀ NHẸ

Chiếc laptop Acer Swift 7 có thể nói là chiếc laptop mỏng và nhẹ nhất hiện nay. Với trọng lượng chỉ 890g và độ dày 9,95mm, chiếc laptop này vượt qua cả chiếc Macbook 12-inch mới nhất của Apple. Thậm chí còn nhẹ hơn chiếc iPad Pro kèm bàn phím thông minh tới 150g.

Swift 7 được trang bị màn hình cảm ứng 14-inch. Đây không phải là dòng laptop nhỏ gọn để dễ dàng mang đi, chiếc laptop này được thiết kế dành cho dòng máy tính cao cấp siêu mỏng và siêu nhẹ.

Trên lý thuyết, Swift 7 có mọi thứ để trở thành chiếc laptop cao cấp siêu mỏng và nhẹ như: nhân xử lý Core i7, 16GB RAM, bộ nhớ 512GB NVMe, và hai cổng USB Type-C Thunderbolt 3. Bên trong hộp còn có một chiếc túi mỏng và một cổng kết nối phụ (thêm cổng USB-A và HDMI). Mặc dù kích thước nhỏ gọn, nhưng chiếc Swift có giá khoảng 39 triệu đồng.

Mỏng, nhẹ, nhưng chiếc laptop này có nhiều điểm phải đánh đổi

Swift 7 chỉ có hai màu, trắng hoặc đen và bạn nên chọn màu trắng. Không như phiên bản màu đen, bản màu trắng không để lại dấu vân tay cũng như vết mờ nên sẽ trông sạch sẽ hơn.

Swift 7 có trọng lượng nhẹ đến đáng kinh ngạc và chúng ta có thể dễ dàng mang nó đi từ nơi này sang nơi khác, thậm chí nó nhẹ đến mức bạn có thể không hề nhớ có để nó trong túi xách của mình. Nhưng chính vì quá mỏng và nhẹ, Swift 7 cho cảm giác thiếu cứng cáp so với những dòng laptop khác cùng mức giá. Acer sử dụng vật liệu nhôm-lithium và magie-nhôm để làm vỏ máy, "chúng nhẹ hơn và cứng cáp hơn nhôm thông thường ở cùng độ dày", nhưng trải nghiệm thực tế cho thấy Swift 7 vẫn không cứng cáp hơn là bao.

Màn hình của chiếc laptop này rất ấn tượng. Nó có kích thước 14-inch với viền màn hình siêu nhỏ ở phía trên và hai cạnh. Với độ phân giải 1080p nó cho hình ảnh rất sắc nét và sống động, đồng thời có góc nhìn khá tốt.

Chiếc laptop này được trang bị màn hình cảm ứng, nhưng tiếc là nó không được nhạy lắm, thường phải chạm màn hình đến hai lần để máy có thể nhận diện được, đặc biệt là khi không thường xuyên sử dụng nó. Giống như là bộ điều khiển màn hình có chế độ chờ và cần được đánh thức trước khi có thể hoạt động trơn tru.

Webcam "thụt thò": "thông minh 1 cách khó hiểu"

Nhìn quanh viền màn hình, bạn sẽ biết lý do tại sao chiếc laptop này có thể nhỏ gọn đến vậy, chính là vì nó không có webcam. Thay vào đó, Acer kết hợp dòng laptop XPS 13 của Dell và MateBook X Pro của Huawei để tạo ra một chiếc camera "thụt thò" ở phía góc trái bàn phím. Không mấy ngạc nhiên là chất lượng camera dở tệ, khi gọi videocall, nó chỉ bắt tới ngón tay trên bàn phím hay cùng lắm chỉ tới giữa ngực của người dùng. Do đó mà nó gần như vô dụng với mọi tác vụ cần đến webcam.

Chính vì không thể sử dụng webcam để đăng nhập bằng khuôn mặt, Acer đã tích hợp một cảm biến vân tay bên dưới nút nguồn ở bên trái bàn phím. Thử nghiệm cho thấy cảm biến vân tay khá ổn, tuy nhiên khi cập nhật lên phiên bản Windows mới thì chiếc máy tính hoàn toàn "quên mất" rằng nó có cảm biến vân tay. Quay lại phiên bản cũ sẽ khắc phục được nhưng để tìm ra lỗi thì phải mất đến nửa ngày.

Bàn phím trên Swift là một ví dụ khác cho sự đánh đổi để lấy kích thước. Để có thể nhồi nhét nhiều phím nhất có thể, Acer đã thay đổi một số vị trí phím thông dụng có thể khiến người dùng khó khăn khi làm quen. Nút caps lock chỉ còn một nửa, phím điều hướng thì bị bao quanh bởi các phím home và end, và tệ nhất là phím backspace ở ngay sát bên trái phím delete. Không phải nói thì các bạn cũng biết được rằng điều này rất dễ dẫn đến việc bấm nhầm phím delete mỗi khi định bấm backspace, hay ấn nhầm vào nút home/end mỗi khi định sử dụng phím điều hướng để cuộn văn bản hay di chuyển con trỏ.

Ngoài chuyện bố trí phím thì gõ phím chỉ ở mức ổn, không mang làm cảm giác khác biệt so với những máy khác. Phím trên Swift 7 không sâu lắm nên sẽ cảm giác không "đã" khi bấm, nhưng bù lại bàn phím trên Swift 7 có đèn nền và khoảng cách giữa các phím hợp lý.

Cũng tương tự như bàn phím, trackpad to một cách kỳ lạ, bù lại nó khá nhạy và vuốt rất mượt. Nhưng chúng không thể phân biệt ngón tay và bàn tay, tính năng thường đi kèm với trackpad cỡ lớn, do vậy mà trỏ chuột thường xuyên nhảy lung tung mỗi khi gõ văn bản.

Bên trong, Swift 7 sử dụng chip Core i7 thế hệ thứ 8 không quạt tản nhiệt cùng với 16GB RAM. Cũng tương tự với loại chip sử dụng trong dòng Y, không quá khó để phát hiện giới hạn của loại chip không quạt tản nhiệt này, kể cả với các ứng dụng hằng ngày như trình duyệt web, email, Slack hay Office. Nếu bạn không chạy cùng lúc nhiều ứng dụng, bộ xử lý có thể chạy tốt, nhưng nếu sử dụng nhiều ứng dụng cùng lúc, chiếc Swift 7 sẽ nhanh chóng bị quá nhiệt.

Thiết kế không có quạt tản nhiệt giúp chiếc laptop này không gây ra bất cứ tiếng động nào khi chạy, nhưng nó làm cho bàn phím nóng lên, đặc biệt là vị trí gần cổng sạc ở bên phải. Tuy không đủ nóng để gây bỏng, nhưng chắc chắn là nó làm mình kém thoải mái hơn khi dùng máy tính có tản nhiệt.

Bên dưới có hai loa với chất âm trung bình. Âm lượng khá nhỏ, mỏng, hơi đục và không có bass. Bạn sẽ phải cần sử dụng đến tai nghe thường xuyên.

Cuối cùng, Swift 7 có thời lượng pin trung bình, chỉ đạt khoảng 6 tiếng sử dụng trên thực tế. Dù không hy vọng gì hơn ở một chiếc laptop mỏng như thế này, nhưng không có nghĩa là bạn không cần nó hoạt động suốt cả ngày hay trong cả một chuyến bay quốc tế. Một vấn đề nghiêm trọng là Swift 7 không nhận nguồn từ bất cứ bộ sạc nào khác ngoài sạc đi kèm máy, kể cả cáp và bộ sạc USB-C hơn 45W. Điều này có nghĩa là dù chiếc máy này rất mỏng và nhẹ nhưng bạn vẫn phải mang theo một "cục gạch" để cấp nguồn cho nó vì chúng ta không thể sạc qua cổng USB-C hay các loại adapter khác.
Mục tiêu đặt ra của Swift 7 khá cao: đó là tạo ra một chiếc laptop nắp gập siêu mỏng, siêu nhẹ và mang tính cơ động hơn. Tuy nhiên, những đánh đổi của chiếc laptop này để lấy khối lượng và kích cỡ là quá lớn. Thay vào đó, thà rằng khối lượng máy nặng thêm 300g và độ dày tăng thêm 0,5cm để có một chiếc laptop với bàn phím tốt hơn, hiệu suất cao hơn, cầm nắm chắc tay hơn và có thể sử dụng dược webcam, thì vẫn xứng đáng hơn.

Theo : https://vnreview.vn/

Đánh Giá - Tư Vấn Tiêu Dùng khác

Positive SSL