Theo thông tin ban đầu, Quảng Ninh được cho là địa phương mua máy xét nghiệm RT-PCR hơn 8 tỷ đồng. Nhưng nay, phía tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thanh quyết toán tiền mua máy xét nghiệm RT-PCR tự động với nhà cung cấp. Tuy nhiên, thông tin từ tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, phía nhà cung cấp khẳng định sẽ không lấy lãi so với giá của nhà nhập khẩu thiết bị này.
Dù chưa có giá nhập khẩu chính thức, song thông tin ban đầu của nhà cung cấp thiết bị đưa ra, giá của bộ thiết bị này gồm máy xét nghiệm và bộ tách chiết mẫu, đều thấp hơn khoảng trên/dưới 2 tỷ đồng so với mức giá 7 tỷ đồng mà CDC Hà Nội đã mua sắm. Như vậy, giá trên dưới 5 tỷ đồng có cao hay không?
Nhiều địa phương mua máy xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. |
Trao đổi với ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh vào chiều 29-4, ông Diện cho biết, công ty mua bao nhiêu bán giá bấy nhiêu, giá hiện tại chưa phải là giá cuối cùng. Ông Diện cũng cho biết, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đang thu thập thông tin tiến hành thanh tra, chưa có kết quả.
Quảng Nam cũng là địa phương được cho mua máy xét nghiệm COVID-19 với giá cao hơn 7 tỷ đồng và việc này cũng được UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế báo cáo. Còn lại, nhiều tỉnh, thành khác đã lên tiếng “mượn máy xét nghiệm” của doanh nghiệp dùng cho mùa dịch.
Xung quanh thông tin các tỉnh mua máy xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 có giá đắt hơn giá trị thực, chiều 29-4, trao đổi với Báo CAND, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến thời điểm này, Bộ đã nhận báo cáo từ 15 tỉnh và cơ sở y tế trực thuộc Bộ về tình hình mua các thiết bị y tế trong mùa dịch COVID-19.
Theo ông Sơn, chỉ có thêm 2 địa phương mua cả hệ thống thiết bị xét nghiệm RT-PCR như CDC Hà Nội, còn các đơn vị khác chủ yếu mua hệ thống loại nhỏ, chỉ mua lẻ vài ba cấu hình, mô đun khác nhau, hoặc bộ tách chiết… Khi được hỏi về giá thành mua máy xét nghiệm của một số địa phương đắt hơn thực tế, ông Sơn cho biết, giá mua các thiết bị của CDC Hà Nội chắc chắn là cao vì cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và công bố rồi.
Việc mua sắm trang thiết bị đối với cơ sở y tế không thuộc Bộ quản lý, ví như CDC các tỉnh, thành mua, đơn vị có thẩm quyền cấp trên sẽ phê duyệt kế hoạch tổ và tổ chức mua sắm. Còn đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, thì Bộ là đơn vị phê duyệt kế hoạch, nhưng trong thời gian vừa qua, các đơn vị trực thuộc Bộ không mua toàn hệ thống như CDC các tỉnh, thành phố.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh: Bộ Y tế luôn khuyến cáo các đơn vị mua sắm tiết kiệm, phù hợp trong thời gian dịch bệnh, đồng thời tất cả đều phải tham khảo theo giá thị trường, giá các đơn vị trúng thầu, giá nhập khẩu Hải quan. Bộ Y tế đã có công văn, yêu cầu trong thời gian có dịch bệnh nên giá sẽ tăng lên rất nhiều, khi các đơn vị mua sắm phải hết sức cẩn trọng.
Các đây ít ngày, sau khi Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 người để điều tra hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại CDC Hà Nội, Bộ Y tế đã có liên tiếp 2 công văn gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, ngành và một số bệnh viện tư nhân đề nghị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm.
Nguồn: cand.com.vn