Nới lỏng giãn cách, Hàn Quốc tăng ca bệnh mới
Hàn Quốc hôm nay 8-5 ghi nhận thêm 12 ca bệnh COVID-19 mới, hầu hết là nhập khẩu, nâng tổng số ca bệnh của nước này lên 10.822 trong bối cảnh vừa bắt đầu nới giãn cách.
Hãng tin Yonhap dẫn số liệu công bố của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) cho biết trong số 12 ca mới có 11 ca nhập khẩu.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong hơn 5 ngày số ca bệnh mới tăng theo ngày của Hàn Quốc vượt qua 10 người.
Số ca bệnh COVID-19 nhập khẩu tiếp tục tăng nhiều hơn số ca lây nhiễm trong cộng đồng khi người Hàn Quốc từ nước ngoài hồi hương trong đại dịch.
Tính tới nay Hàn Quốc có 1.118 ca bệnh nhập khẩu, hơn 90% là công dân Hàn Quốc. Bắt đầu từ 6-5 Hàn Quốc đã khôi phục phần lớn nếp sinh hoạt bình thường, nới lỏng đáng kể các biện pháp giãn cách xã hội.
Trong diễn biến liên quan, theo hãng tin Yonhap, một quan chức chính phủ Hàn Quốc hôm nay cho biết nước này đang thử nghiệm lâm sàng với 7 loại thuốc đã có trong điều trị COVID-19 để đánh giá mức độ hiệu quả của chúng.
Theo vị quan chức, nếu có được kết quả tích cực (dù không phải cả 7 loại) cũng sẽ mở ra khả năng tìm được liệu pháp điều trị bệnh COVID-19 sớm nhất là trước cuối năm nay.
Ngoài ra, các thử nghiệm lâm sàng khác liên quan tới 3 loại vắcxin tiềm năng cũng sẽ được triển khai tại Hàn Quốc trước cuối năm nay.
Ông Kim Jong Un gửi điện chúc mừng ông Tập
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 8-5, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi một điện mừng tới người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, ca ngợi vai trò của ông đã giúp Trung Quốc chống dịch thành công.
"Chủ tịch Kim Jong Un đã chúc ông Tập Cận Bình có sức khỏe tốt, bày tỏ niềm tin rằng đảng và nhân dân Trung Quốc sẽ củng cố những thành công đã đạt được cho đến nay, từng bước phát triển hơn nữa và giành chiến thắng cuối cùng dưới sự dẫn dắt khôn ngoan của ông Tập Cận Bình", KCNA tường thuật.
Đây là lần thứ hai ông Kim Jong Un gửi điện cho ông Tập liên quan đến virus corona.
COVID-19 có thể giết chết 190.000 người ở châu Phi
Bà Matshidiso Moeti, giám đốc WHO khu vực châu Phi, ngày 7-5 cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể giết chết ít nhất 190.000 người ở châu Phi ngay trong năm đầu tiên nếu không có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Theo bà Moeti, dù COVID-19 không lây lan theo cấp số nhân ở châu Phi như các khu vực khác, nó lại đặc biệt ở chỗ sẽ luôn âm ỉ tại các điểm nóng lây nhiễm.
WHO dự đoán sẽ có từ 29 đến 44 triệu người nhiễm COVID-19 ở châu Phi, cao hơn tất cả các châu lục khác cộng lại. Trong số này sẽ có khoảng 5,5 triệu người phải nhập viện điều trị, một con số chắc chắn đánh sập hệ thống y tế của toàn châu lục.
Mỹ thêm 2.495 ca tử vong
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ghi nhận thêm 25.253 ca nhiễm, 2.495 ca tử vong ở nước này trong ngày 7-5. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này là 1.219.066 người, tăng 25.253 so với ngày trước đó. Tổng số người tử vong cũng lên con số 73.297 trường hợp sau khi có thêm 2.495 ca tử vong mới.
Các số liệu do CDC công bố luôn thấp hơn các số liệu do Đại học John Hopkins hoặc trang worldometers.info và các hãng thông tấn tự thống kê. Theo Hãng tin Reuters, số liệu này không nhất thiết phải tính tổng các trường hợp được công bố bởi các bang ở Mỹ.
Thêm 610 người chết, Brazil vẫn muốn nới lỏng phong tỏa
Bộ Y tế Brazil ngày 7-5 thông báo đã phát hiện thêm 9.888 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, đẩy tổng số ca nhiễm tại quốc gia Nam Mỹ này lên con số 135.016 người. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Brazil cũng tăng lên 9.146 trường hợp sau khi có thêm 610 người chết được ghi nhận trong cùng thời gian.
Hiện Brazil là vùng dịch lớn thứ hai của châu Mỹ và lớn nhất ở Nam Mỹ. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm và tử vong ở nước này tăng vọt. Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Bộ trưởng Kinh tế Paulo Guedes vẫn muốn nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Ông Bolsonaro kêu gọi "cứu nền kinh tế bởi vì kinh tế cũng là mạng sống" trong khi ông Guedes cảnh báo nền kinh tế Brazil sẽ sụp đổ "trong vòng 30 ngày" nếu không nới lỏng phong tỏa.
Pháp 178 ca tử vong
Tính đến tối 7-5 (theo giờ địa phương), số ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Pháp đã tăng thêm 178 trường hợp, lên tổng cộng 25.987 người, trong đó có 16.386 ca (tăng 149 ca) ở các bệnh viện và 9.601 ca (tăng 29 ca) ở các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.
Ngoài ra, nước Pháp cũng ghi nhận 23.208 bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện (giảm 775 ca so với hôm 6-5), trong đó có 2.961 người thuộc diện chăm sóc đặc biệt (giảm 186 ca). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực ở Pháp đã giảm liên tiếp suốt 29 ngày qua. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 55.027 bệnh nhân COVID-19 ở nước này bình phục và ra viện. Số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 được xác nhận thông qua xét nghiệm là 137.779 người.
Ai Cập tăng ca nhiễm kỷ lục
Ngày 7-5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo quốc gia này đã phát hiện thêm 393 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đánh dấu mức tăng kỷ lục trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 7.981 người. Bên cạnh đó, số người tử vong do căn bệnh nguy hiểm này cũng tăng thêm 13 ca, lên tổng số 482 trường hợp.
Trước đó, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cho biết quốc gia này quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm vào ban đêm thêm 2 tuần, từ 21h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau, cho đến khi kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Mỹ đề nghị viện trợ y tế cho Nga
Nhà Trắng ngày 7-5 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị viện trợ y tế cho Nga trong cuộc điện đàm cùng ngày với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Điện Kremlin sau đó cũng lên tiếng xác nhận.
"Tổng thống Trump đã nhấn mạnh rằng trong khi Mỹ đang nỗ lực chăm sóc người dân, Mỹ cũng sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ quốc gia nào có nhu cầu, kể cả Nga", thông báo của Nhà Trắng có đoạn.
Lời đề nghị được đưa ra trong bối cảnh Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới trong khi Nga đã trở thành vùng dịch lớn thứ 5 toàn cầu với hơn 177.000 người nhiễm bệnh và 1.625 người chết.
Hàn Quốc: COVID-19 sẽ không biến mất cho tới khi có vắcxin
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 7-5, đại diện Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai ở nước này là "không thể tránh khỏi" và người dân cần chấp nhận "trạng thái bình thường mới".
"Không dễ để chấm dứt dịch COVID-19 cho tới khi xuất hiện vắcxin hay thuốc đặc trị thành công. Do đó, phải đặt trong tâm thế rằng đợt bùng phát thứ hai là chắc chắn không thể tránh khỏi", quan chức Son Young-rae cảnh báo. Tuy nhiên theo vị này, "điều quan trọng là phải giữ số lây nhiễm mới ở mức thấp và xem đây là một tình trạng tự nhiên".
Pháp đóng cửa biên giới "ít nhất" tới hết 15-6
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner ngày 7-5 khẳng định Pháp vẫn sẽ đóng cửa biên giới ít nhất đến hết ngày 15-6 ngay cả khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào ngày 11-5 tới. Việc qua lại biên giới giữa Pháp với các nước kể từ lúc dịch COVID-19 bùng phát chỉ được cho phép trong một số trường hợp ngoại lệ.
Trước đó theo Thủ tướng Pháp Édouard Philippe, việc dỡ bỏ phong tỏa chỉ được tiến hành với các vùng "màu xanh", tức có nguy cơ thấp. Thủ đô Paris và bốn vùng khác "màu đỏ" vẫn duy trì tình trạng phong tỏa sau ngày 11-5 nhưng được nới lỏng hơn trước.
Dự kiến sẽ có khoảng 400.000 doanh nghiệp ở Pháp được mở cửa trở lại vào ngày 11-5 tới.
Tất cả địa phương Trung Quốc ở nguy cơ thấp
Người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), ông Mễ Phong ngày 7-5 cho biết tất cả địa phương (tính theo cấp huyện) ở Trung Quốc đại lục đã được xếp vào nhóm có nguy cơ thấp với COVID-19.
Tuy nhiên, ông Mễ Phong lưu ý "nguy cơ thấp" không có nghĩa là "không có nguy cơ" và cảnh báo vẫn còn nhiều yếu tố không xác định nên không được chủ quan trong việc chống dịch.
Tính đến hết ngày 6-5, Trung Quốc đã có 4 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới trong nước. Đại diện NHC khẳng định trong vòng 22 ngày qua đại lục không ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào vì COVID-19.