Bốn kịch bản tăng trưởng
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết viện đã xây dựng bốn kịch bản tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong năm 2020.
Theo đó, trong tình huống xấu nhất theo kịch bản cơ sở, TP.HCM chỉ tăng trưởng ở mức 2,5%. “Kịch bản cơ sở là giả định tiêu cực nhất, rồi giảm dần từ kịch bản số 1 đến 2 và 3” - ông Ngân nói. Vị này cũng cho biết kịch bản cơ sở được xây dựng theo giả định kinh tế thế giới suy thoái, bất ổn địa chính trị gia tăng, một số nền kinh tế là đối tác lớn của TP.HCM như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU… khó phục hồi.
Kịch bản 1 và 2 là giảm dần mức độ tiêu cực của các biến số tác động giả định. Kinh tế TP khi đó tăng trưởng ở mức từ 3,4% đến 4,12%. Đây là hai kịch bản được kỳ vọng nhất vì dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt và các đối tác kinh tế lớn của TP.HCM đã triển khai nhiều gói hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Kịch bản 3 lạc quan hơn khi tăng trưởng kinh tế của TP.HCM sẽ xoay quanh mức 5,42%, dựa trên giả định kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhưng không rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, theo ông Ngân, đây là kịch bản rất khó khả thi bởi số liệu thống kê quý I của nhiều quốc gia cho thấy dấu hiệu suy thoái đã bắt đầu.
Theo ông Ngân, kịch bản được xây dựng giữa bối cảnh kinh tế thế giới biến động, rủi ro và khó đoán định hơn. TP cần theo dõi tiến trình phục hồi tại các nền kinh tế đối tác lớn, từ đó phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu để tăng khả năng thâm nhập thị trường trong điều kiện cho phép.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: TTBC
Sớm phục hồi các hộ kinh doanh
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng bên cạnh hơn 260 DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, cần có chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng “tổn thương ghê gớm” là khoảng 300.000 hộ tiểu thương, hộ kinh doanh. Theo ông, nhóm này càng phục hồi sớm thì gỡ được bài toán phục hồi và phát triển kinh tế của TP.HCM.
Ông Lịch cũng đề xuất ngoài bốn nhóm giải pháp mà Chính phủ đang triển khai và TP đang làm như gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng thì TP cần bổ sung các chính sách về an sinh xã hội để kích thích tổng cầu. “Bởi những người nhận tiền từ gói này là xài ngay. Người nào cầm tiền mà xài ngay thì đó là những đối tượng cần đưa tiền, còn người nào mà đưa tiền nhưng họ cất trong tủ, gửi ngân hàng thì chưa cần đưa lúc này” - ông Lịch nói.
Về đối tượng hỗ trợ DN, ông Lịch cho rằng nên chọn các DN tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi lưu thông dễ đổ vỡ như du lịch, vận tải, ẩm thực, giải trí… và những DN vừa và nhỏ.
Riêng về gói đầu tư công khoảng 700.000 tỉ đồng đang bị tắc nghẽn trong giải ngân do sự chồng chéo và mâu thuẫn từ các quy định của pháp luật, ông Lịch cho rằng cần phải mạnh dạn có giải pháp mang tính “xé rào” để tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục, vì đầu tư công là “con chủ bài” để kích thích tăng trưởng.
“Phục hồi kinh tế TP là vấn đề của cả nước”
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng TP chiếm gần 50% số lượng DN và khoảng 10% tổng số hộ sản xuất, kinh doanh cá thể của cả nước nên việc phục hồi kinh tế trên địa bàn không chỉ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của TP, mà còn là vấn đề của cả nước. Ông cũng cho rằng khả năng trụ lại của các DN vừa và nhỏ hết sức khó khăn sau cơn bão dịch COVID-19. Chính vì thế, TP sẽ có chính sách, giải pháp hỗ trợ cho DN.
Ngoài ra, ông Phong cũng cho biết ngoài gói hỗ trợ của Chính phủ, trong tuần tới TP sẽ bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ cho DN và người lao động, về thị trường, tín dụng... “Vấn đề quan trọng hiện nay không chỉ là cung cấp thêm tín dụng, mà phải khoanh nợ cho các đối tượng đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch” - ông Phong nói.
Ông Phong cũng khẳng định TP sẽ đồng hành cùng DN ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa... Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư công của TP. “Trong những lúc khó khăn mới thấy hết tấm lòng của người dân TP và tấm lòng của các DN. Tôi trân quý những tấm lòng như vậy” - ông Phong nói.
Hỗ trợ để ngăn doanh nghiệp phá sản
Phát biểu tại tọa đàm, trên cơ sở phân tích sâu về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam cần mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước với điều kiện cụ thể và vào thời điểm khác nhau, bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 12-2020. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là làm sao phát hiện và kiểm soát kịp thời nguy cơ lây nhiễm của hơn 6 triệu khách du lịch nước ngoài có thể vào Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 12-2020. “Điều này chưa có lời giải và cần đặt hàng ngành y tế” - ông Nhân nói và cho rằng nên chọn hướng kiểm soát ngay với toàn bộ du khách và tính phí xét nghiệm vào vé máy bay đến Việt Nam.
Từ đó, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đưa ra 10 giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh tại TP bền vững hơn sau dịch. Trong đó, ông nhấn mạnh đến việc cần ngăn chặn phá sản DN bằng cách hỗ trợ thu nhập cho người lao động để DN không mất lao động (từ tháng 5 đến tháng 6-2020), hỗ trợ bảo đảm tính thanh khoản của DN, hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả xuất khẩu. Cùng đó là dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp (từ tháng 5 đến tháng 12-2020).
TP cũng cần nhanh chóng thúc đẩy số hóa tài nguyên của các DN, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng và triển khai quản trị thông minh ở các DN, cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh thực hiện TP thông minh. Triển khai mạnh mẽ đầu tư công của TP, phấn đấu đến tháng 10-2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.
Ngoài ra, TP sẽ nhanh chóng hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức lớn hiện nay; hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo.
Nguồn: plo.vn