Theo người dân địa phương, lực lượng công an xuất hiện từ gần trưa cùng ngày. Sau đó, công an triển khai lực lượng dân phòng phong tỏa bên ngoài để thực hiện việc khám xét.
Theo ghi nhận, tòa nhà mà công an khám xét cao năm tầng. Bên trong tòa nhà có rất nhiều công an đang kiểm tra nhiều tài liệu.
Một nguồn tin cho hay cùng với việc khám xét, công an cũng làm việc với một số người liên quan nhưng không cung cấp danh tính. Được biết, lực lượng công an tiến hành khám xét tòa nhà trên sau khi có phản ánh đây là đường dây tín dụng đen cho vay qua app.
Trên thông báo tuyển dụng, Cashwagon tự nhận là nhà cung cấp các khoản vay tiêu dùng ngắn hạn dẫn đầu thị trường Việt Nam và bắt đầu mở rộng ở châu Á. Công ty cho rằng tăng trưởng nhanh chóng là kết quả của việc sử dụng hiệu quả công nghệ.
Đến hơn 21 giờ ngày 2-6, công an còn thực hiện việc khám xét bên trong tòa nhà. Ảnh: TỰ SANG
Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh công ty này đã cho nhân viên đòi nợ kiểu khủng bố.
Cụ thể, vợ anh T. (Châu Đốc, An Giang) vay hơn 8 triệu đồng của app Cashwagon nhưng mất khả năng chi trả. “Họ gọi điện bất kể ngày đêm, các tài khoản mạng xã hội bị spam liên tục. Họ nhắn tin vào nhiều số điện thoại của người thân vợ tôi để khủng bố khiến tôi và nhiều người trong gia đình phải khóa các tài khoản mạng xã hội” - anh T. kể.
Nhóm đòi nợ liên tục nhắn tin, ghép hình ảnh trên mạng xã hội để bình luận trên Facebook cá nhân của người thân, bạn bè của vợ anh T. Trong các tin nhắn có đoạn: “DVT, chúng tao cho nhà mày tới 3 giờ, tự giác trả nợ, đừng để tai nạn xảy ra với gia đình mày hôm nay”; “mày còn ở địa chỉ… Châu Đốc, An Giang không để chiều nay tụi tao chạy vào nhà mày luôn”; “Đội thu hồi nợ Hưng Thịnh thông báo, chúng tao đã tiếp nhận hồ sơ, điều động xuống nhà mày làm rõ sự việc…”.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT phối hợp kiểm tra, xử lý các nền tảng dịch vụ cho vay online trên các thiết bị điện tử thông minh có tính chất tín dụng đen. (Văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Công an truyền đạt ý kiến của Thủ tướng trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV) |
Theo Công an TP.HCM, thủ đoạn chung của các app cho vay này là lấy lãi suất vay 4,4%/ngày, tương đương 1.600%/năm; tất cả giao dịch của người vay và người cho vay đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động. Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị nhân viên các app cho vay gọi điện thoại đến người thân quen trong danh bạ của người vay tiền để nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ.
Theo Bộ Công an, đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, tinh vi, là biến tướng của loại tội phạm cho vay tín dụng đen, cần tập trung ngăn chặn.
ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho hay: Bất kỳ tổ chức tài chính nào muốn thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng như huy động và cho vay, bao gồm các hình thức huy động và cho vay qua app (hay còn gọi vay ngang hàng - P2P lending), buộc phải có giấy phép hoạt động của NHNN. Chính vì vậy, những app thực hiện huy động và cho vay khi chưa được cấp phép đều là hoạt động không hợp pháp.
Theo thông tin từ website của công ty, đơn vị này chuyên bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh, thực hiện dịch vụ tư vấn... Và không hề có ngành nghề cho vay.
Việt Nam chưa cho vay qua app hoạt động Việt Nam hiện chưa có quy định về hoạt động cho vay qua app (P2P lending) và một số người lợi dụng nó để cho vay lãi nặng trá hình. Các công ty hoạt động như một tổ chức tài chính cho vay lãi nặng, tự đứng ra cho vay với lãi suất rất cao… Trong văn bản 8-7-2019, NHNN khẳng định: Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hoạt động P2P lending và cảnh báo mô hình này tiềm ẩn nhiều rủi ro về thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng... có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội. |