Sau ngày 30-4-1975, vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lê Duẩn, Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam khi ấy, đã nói: “Thắng lợi này là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam chứ không của riêng ai”. Tinh thần ấy cũng là phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định, tướng Trần Văn Trà, trong buổi tiếp và trả tự do cho toàn bộ nội các Dương Văn Minh ngày 2-5-1975: “Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng…”.
Trong cuộc chiến đấu gian khổ để đất nước thống nhất này, biết bao người đã nằm xuống để đất nước được “đứng lên”: Gần 850.000 liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, gần 45.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong số đó có những người mẹ như mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có chín con đẻ, một con rể và hai cháu ngoại là liệt sĩ. Mỗi người dân miền Bắc phải chịu 45,5 kg bom đạn và mỗi km2 phải gánh chịu sáu tấn… Chính cuộc chiến đấu hy sinh và chịu nhiều mất mát khổ đau của người dân Việt Nam trên cả nước đã chinh phục trái tim, khối óc của những con người yêu tự do và hòa bình trên thế giới.
Hai bạn trẻ đang tham quan triển lãm “Thành phố Hồ Chí Minh 45 năm xây dựng và phát triển vì cả nước, cùng cả nước” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
Độc lập chủ quyền, thống nhất quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng nên khi những tiếng nói chính nghĩa cất lên sẽ đánh thức lương tri nhân loại, trong đó có lòng yêu hòa bình, công lý của người dân Mỹ. Đầu tháng 3-1968, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant kêu gọi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và coi đây là điều kiện để tổ chức đàm phán. Ngày 14-5-1968, trong bài phát biểu tại Trường ĐH Alberta (Canada), ngài U Thant đã “tỏ rõ lập trường ủng hộ quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kêu gọi chính phủ Mỹ ngưng oanh tạc toàn diện vô điều kiện miền Bắc”. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới bằng cách này hay cách khác bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam.
Góp phần làm nên mốc son lịch sử ngày 30-4, cộng đồng người Việt đông đảo ở nước ngoài đã ủng hộ hết mình cho cuộc kháng chiến của người dân trong nước. Trong suốt thời gian đàm phán Hiệp định Paris, cả hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được Đảng Cộng sản Pháp và bà con người Việt sinh sống và học tập tại Pháp giúp đỡ tận tình.
Nhiều nhà báo tiến bộ trên thế giới đã chấp nhận hy sinh, đi vào vùng giải phóng để phản ánh rõ nhất cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam. Trong số đó có Madeleine Riffaud (Pháp), Wilfred Burche (Úc), Dimitrova (Bulgary), Vanessa (Ba Lan). Nhà báo Pháp Madeleine Riffaud đã thốt lên một câu tự đáy lòng: “Việt Nam là một phần của cuộc đời tôi”. Những phóng viên dũng cảm của báo New York Times như Seymour Hersh, Don Luce đã giúp đưa ra ánh sáng và công luận quốc tế vụ thảm sát Mỹ Lai, “chuồng cọp Côn Đảo”…
Chúng ta cũng không thể không kể tới những người yêu nước chân chính sống trong lòng địch; không thể không nhớ tới công lao của mọi giới đồng bào, các dân tộc, tôn giáo. Nhiều tên tuổi của các chức sắc tôn giáo luôn đứng đầu ở các diễn đàn lên án chiến tranh, ủng hộ hòa bình như thượng tọa Thích Trí Quang, hòa thượng Thích Thiện Hoa, linh mục Nguyễn Ngọc Lan …
Không ít người đã có lúc họ đứng ở chiến tuyến khác nhau, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi, tinh thần yêu nước trong mỗi người Việt Nam lại sống dậy và giúp họ có những quyết định sáng suốt. Tất cả họ đã xuất hiện đúng lúc trong thời khắc cuối cùng của cuộc chiến tranh và bằng những hành động thức thời góp phần làm cho cuộc chiến vốn đã khốc liệt bớt mất mát, khổ đau.
Đất nước đã thống nhất 45 năm, hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc tiếp tục được bảo vệ nhưng vẫn còn đang bị thế lực ngoại bang uy hiếp. Chúng ta tin rằng tinh thần đại đoàn kết dân tộc của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, được trui rèn sau nhiều thử thách sẽ tạo nên sức mạnh khi chủ quyền Tổ quốc bị đe dọa. Đại đoàn kết dân tộc, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế làm nên mốc son lịch sử 30-4-1975 của dân tộc Việt Nam nhắc nhớ chúng ta về điều ấy.
Đoàn kết, chính nghĩa tạo nên sức mạnh bảo vệ đất nước Ông Trần Văn Tần, quê huyện Điện Bàn, Quảng Nam (năm nay đã bước vào tuổi 75), anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhìn nhận truyền thống đoàn kết, khoan dung, nhân nghĩa và tính chính nghĩa là một trong những yếu tố giúp chúng ta có được sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Bài học này vẫn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc hôm nay. Thường xuyên theo dõi tình hình biển Đông, ông Tần bày tỏ sự bức xúc trước những hành động và phát ngôn ngang ngược, phi lý của Trung Quốc (TQ) xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông trong thời gian qua. Theo ông Tần, tư tưởng bành trướng của TQ có từ hàng ngàn năm trước với việc nhiều lần mang quân sang xâm lược nước ta. Tuy nhiên, lần lượt những Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… với những trận đánh oanh liệt đã đập tan tham vọng của quốc gia này. “TQ sẽ không từ bỏ tư tưởng bành trướng đó. Chúng ta lo lắng nhưng dứt khoát không sợ. Hãy cứ tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và tiềm lực của quân đội, ta cùng nhau đoàn kết, giương cao ngọn cờ dân tộc bên cạnh sự ủng hộ của quốc tế thì nhất định giành chiến thắng trong cuộc chiến này” - ông Tần nói thêm. Cùng chung quan điểm, Nguyễn Hữu Long - nguyên là quân y Trung đoàn Ba Gia nói rằng sức mạnh lớn nhất của người Việt Nam là tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và nó một lần nữa thể hiện qua cuộc chiến với “giặc COVID-19”. Các cụ già, mẹ Việt Nam anh hùng, ông xe ôm đến các em nhỏ gom góp gạo, tiền để chống dịch. Rồi những chiếc máy ATM gạo xuất hiện ở khắp nơi để giúp người lao động nghèo. “Những hình ảnh ấy vốn rất đời thường nhưng lại quá đỗi nhân văn của dân tộc ta từ bao đời nay. Với tinh thần ấy, tôi nghĩ khó ai có thể lấy đi dù là một tấc đất của ta” - ông Long bày tỏ. TÂM AN |